Khó đoán giá vàng

Giá vàng thế giới có thể giảm sâu nếu tình hình kinh tế thế giới tiếp tục cải thiện nhưng giá vàng trong nước lại khó đoán bởi phụ thuộc nhiều vào chính sách điều hành thị trường vàng.

Thị trường vàng trong nước, ngay cả dịp cận Tết Nguyên đán, lượng giao dịch chỉ tăng nhẹ so với ngày thường. Trong năm, giá vàng đã mất đến 12 triệu đồng/lượng và kết thúc chuỗi tăng giá 12 năm liên tiếp.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Ngư dân Cà Mau trúng lớn

Vẫn chênh lệch lớn

Theo ông Nguyễn Công Tường, Phó Phòng Kinh doanh Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), dịp Tết nhưng sức mua từ thị trường không tăng mạnh như mọi năm. Giá vàng lình xình quanh mốc 35 triệu đồng/lượng trong suốt 2 tháng đã hạn chế lực mua bán trên thị trường. Thêm nữa, hơn 1 tháng qua, Ngân hàng (NH) Nhà nước không tổ chức đấu thầu làm nguồn cung hạn chế, lực mua từ người dân có tăng nhưng vắng người bán khiến giá vàng trong nước khó giảm sâu theo giá thế giới.

Khó đoán giá vàng
Giá vàng trong nước phụ thuộc nhiều vào chính sách quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước Ảnh: Hồng Thúy

Năm 2014, nếu giá vàng thế giới được nhận định phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế của Mỹ, châu Âu… thì giá vàng trong nước lại khó đoán. Ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh và Đầu tư Vàng Việt Nam, phân tích: Những bất ổn kinh tế từ châu Âu, Nhật, Mỹ vẫn là cơ hội để giá vàng đi lên. Chẳng hạn gần đây, thông tin về báo cáo thất nghiệp của Mỹ không như kỳ vọng làm giá vàng tăng dù chỉ số USD mạnh hơn so với đồng yen, euro.

“Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), bà Janet Yellen, rất chú trọng việc tạo công ăn việc làm nên các chỉ số về thất nghiệp, lao động sẽ ảnh hưởng mạnh đến chính sách tiền tệ. Nếu tỉ lệ thất nghiệp dưới 6,5% thì giá vàng có thể giảm mạnh” - ông Hải dự đoán.

Năm 2013, NH Nhà nước được đánh giá điều hành thị trường vàng khá thành công khi dập tắt các cơn sốt giá, tình trạng thao túng giá vàng không còn…

TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, nhận xét: “Ngoài việc linh hoạt nhập vàng, đấu thầu điều tiết cung cầu giúp ổn định thị trường, thành công của thị trường vàng còn bắt nguồn từ việc NH Nhà nước kiên định bỏ sàn vàng. Chấm dứt không cho các NH huy động, chuyển hóa vàng ra tiền đồng cho vay, không cho vay bằng vàng bởi hoạt động này ở quy mô lớn đã gây bất ổn cho nền kinh tế”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc độc quyền nguồn cung giá vàng trong khi cầu luôn còn khiến tâm lý người có vàng không muốn bán ra, chênh lệch giá vàng sẽ khó thu hẹp. Từ tháng 3-2013, NH Nhà nước bắt đầu tổ chức các phiên đấu thầu vàng nhằm cung ứng ra thị trường và độc quyền hoạt động xuất nhập khẩu vàng. Qua 76 phiên đấu thầu, có hơn 1,8 triệu lượng vàng được đưa ra thị trường (gần 70 tấn vàng) nhưng giá vàng trong nước và thế giới luôn chênh lệch quanh 3 triệu đồng/lượng. “Từ đầu năm 2014 đến nay, giá vàng thế giới tăng mạnh nhưng trong nước chỉ nhích nhẹ cho thấy lực cầu yếu, nguồn cung vàng từ đấu thầu giảm. Quan trọng là các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đã mua vàng đấu thầu trước đó với giá cao nên không thể bán thấp, chênh lệch vì thế khó giảm” - chuyên gia vàng Phan Dũng Khánh phân tích.

Tìm phương án huy động vàng

Năm 2014, NH Nhà nước sẽ quản lý thị trường vàng theo hướng tiếp tục độc quyền xuất nhập khẩu vàng, cung ứng vàng cho thị trường qua các phiên đấu thầu… Xây dựng phương án huy động nguồn lực vàng trong nước nhằm phục vụ sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội.

Cuối năm 2013, vấn đề huy động vàng cũng được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NH Nhà nước nghiên cứu triển khai, đưa nguồn vốn vàng vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Theo các chuyên gia kinh tế, để huy động nguồn lực vàng đang “nằm chết” trong dân (từ 300-500 tấn, tương đương 14 - 22 tỉ USD) là điều không đơn giản.

Một lãnh đạo NH Nhà nước nhìn nhận huy động vàng theo cách truyền thống là gửi vàng lấy lãi gây nhiều bất ổn cho hệ thống các tổ chức tín dụng trước đây, lại tạo ra hiện tượng vàng hóa nền kinh tế và chi phí huy động rất lớn.

“Ngay việc gửi vàng ở nước ngoài kỳ hạn ngắn cũng phải trả phí, trong khi NH Nhà nước huy động xong làm gì để sinh lời và trả lãi cho người gửi vàng là không đơn giản” - vị này nói.

Theo TS Vũ Viết Ngoạn, huy động vàng trong dân là bài toán khó, hiện đang còn nghiên cứu giải pháp, điều quan trọng trước mắt là ổn định thị trường. Không lạc quan về bức tranh điều hành thị trường vàng, chuyên gia kinh tế PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng cả 2 mục tiêu mà nghị quyết Quốc hội và Chính phủ đặt ra là thu hẹp chênh lệch với giá thế giới và huy động vàng trong dân đến nay NH Nhà nước vẫn chưa thực hiện được!

Chứng khoán “nóng”, bất động sản lận đận

Ông Fiachra Aodh MacCana, Giám đốc nghiên cứu Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC), dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,3% trong năm nay dựa trên sự phục hồi mạnh mẽ theo chu kỳ, dẫn đầu là các nhóm ngành sản xuất và xây dựng.

Trong bối cảnh kinh tế như vậy, ngành chứng khoán sẽ mang lại giá trị cao nhất nhờ các yếu tố hỗ trợ như quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước sẽ tăng thêm cung cho thị trường, nghị định mới về tăng tỉ lệ sở hữu (nới room) cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ sớm được thông qua và các nhà đầu tư trong nước tiếp tục đổ tiền vào thị trường này. Trong đó, việc nới room được xem là động lực chủ yếu. Dự thảo mới nhất cho thấy tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại tại các công ty niêm yết sẽ tăng từ 49% lên 60% và có thể sở hữu đến 100% các loại cổ phiếu không có quyền biểu quyết được phát hành. Ngay khi đón nhận những thông tin này vào đầu tháng 1-2014, mỗi ngày đều có trên 2.000 tỉ đồng, thậm chí hơn 3.000 tỉ đồng, chảy vào thị trường, VN-Index cũng không ít lần vượt mốc 560 điểm, mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Năm 2013, khoảng 10.000 doanh nghiệp ngành xây dựng phá sản, trong đó phần lớn là bất động sản và xu hướng này chưa dừng lại. Theo các doanh nghiệp, đầu tư xây dựng cơ bản tiếp tục bị cắt giảm vì ngân sách thu hẹp trong năm nay, nhiều dự án thiếu vốn không thể tiếp tục triển khai, không bán được hàng sẽ đẩy doanh nghiệp bất động sản đến bờ vực phá sản…

Về phân khúc thị trường, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành, nhận xét phân khúc căn hộ trung cấp giá từ 1-1,2 tỉ đồng/căn sẽ có sự cạnh tranh gay gắt bởi nhiều dự án giá cao, diện tích lớn không bán được buộc phải chia nhỏ hoặc bán giảm giá để cắt lỗ. Riêng phân khúc căn hộ bình dân giá từ 700-800 triệu đồng/căn sẽ ít cạnh tranh hơn khi lượng hàng ra chưa nhiều.

V.Vinh - T.Phương ghi

Theo Thái Phương
NLĐ

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm