Khó cổ phần hoá Petec: "Vướng” lỗ, mất vốn hàng trăm tỷ đồng

(Dân trí) - Trong quá trình cổ phần hoá tại một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu do PVN sở hữu 94% vốn đã gặp nhiều khó khăn trong việc tái cơ cấu, xử lý các tồn tại khi để lỗ, mất vốn Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.


Khó khăn khi cổ phần hóa Petec (Ảnh minh hoạ).

Khó khăn khi cổ phần hóa Petec (Ảnh minh hoạ).

Bộ Công Thương vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý khó khăn, vướng mắc khi cổ phần hóa tại Công ty TNHH MTV Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư Petec.

Theo báo cáo, trong quá trình thực hiện cổ phần hóa và xác định vốn nhà nước tại Petec thời điểm chuyển từ Công ty TNHH MTV sang công ty cổ phần theo quy định, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - công ty mẹ sở hữu 94% vốn tại Petec - và Petec gặp phải một số vấn đề phát sinh.

Một trong số 3 phát sinh lớn nhất liên quan tới việc xử lý khoản bù lỗ xăng dầu của Bộ Tài chính giai đoạn 2007-2008 lên tới hơn 215 tỷ đồng.

Được biết, trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá, Petec đã điều chỉnh giảm vốn chủ sở hữu và tăng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tương ứng hơn 215 tỷ đồng. Để đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý, PVN kiến nghị Bộ Công Thương chấp thuận chủ trương này.

Theo lý giải của Bộ Tài chính, từ ngày 5/3/2009, để doanh nghiệp có nguồn bù đắp lỗ xăng dầu, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép trích 1.000 đồng/lít theo số lượng xăng tiêu thụ từ lợi nhuận trước thuế của xăng để tạo nguồn bù đắp số lỗ giai đoạn 2007-2008.

Tuy nhiên, trong thời gian được phép trích (từ tháng 10/2008-12/2009), số lượng xăng tiêu thụ chưa đủ mức trích trả nợ toàn bộ số lỗ giai đoạn 2007-2008, do đó, đến thời điểm 31/12/2009, số lỗ của Petec chưa có nguồn bù đắp và chưa có cơ chế hướng dẫn xử lý là 215 tỷ đồng như trên.

Bộ Công Thương cho rằng, việc Petec điều chỉnh giảm vốn chủ sở hữu, tăng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo đề xuất của PVN do nguyên nhân khách quan là có cơ sở. Do đó, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp nhận chủ trương này.

Bên cạnh đó, quá trình cổ phần hóa Petec cũng gặp vướng mắc về việc xác định nguyên nhân và xử lý lỗ giai đoạn từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa đến thời điểm chuyển sang công ty cổ phần.

Cụ thể, vốn nhà nước tại Petec tại thời điểm phê duyệt phương án cổ phần hóa là 2.464 tỷ đồng và vốn nhà nước tại Petec tại thời điểm quyết toán cổ phần hóa là 2.308 tỷ đồng. Việc giảm giá trị thực tế vốn nhà nước như trên (hơn 155 tỷ đồng) là do Petec bị lỗ trong giai đoạn từ khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa đến thời điểm chuyển sang công ty cổ phần.

Lý giải cho việc để mất hàng trăm tỷ đồng vốn nhà nước như trên, theo báo cáo kiểm điểm của Petec và kết quả thanh, kiểm tra của các cơ quan chức năng, nguyên nhân là khách quan. Trong đó, chủ yếu do có nhiều thời điểm giá cơ sở xăng dầu cao hơn so với giá bán lẻ xăng dầu do Nhà nước quyết định, chi phí tài chính của công ty lớn do lỗ chênh lệch tỷ giá...

Duy chỉ có hơn 1,5 tỷ đồng thiệt hại do chủ quan và quy trách nhiệm cho Giám đốc Chi nhánh Hải Phòng đã quyết định giá bán sai và bị yêu cầu thu hồi. Khoản này đã xử lý xong tính tới thời điểm giữa tháng 8/2016.

Để giảm áp lực mất cân đối vốn của Petec nhằm ổn định sản xuất kinh doanh, thực hiện tái cơ cấu, PVN kiến nghị Bộ Công Thương cho phép PVN ưu tiên sử dụng toàn bộ số tiền thặng dư từ bán cổ phần là 144 tỷ đồng để bù đắp cho vốn nhà nước bị giảm.

Số chênh lệch còn lại hơn 11 tỷ đồng được xử lý như khoản phải thu từ thặng dư bán cổ phần Petec thuộc sở hữu của PVN/PVOil trong tương lai hoặc bù đắp từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp của PVN.

Ngoài ra, vướng mắc còn xảy ra trong quá trình định giá doanh nghiệp tại Xí nghiệp Xăng dầu Cát Lái, một xí nghiệp liên doanh giữa Petec và Công ty Hải sản Biển Đông thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân. Sau khi Petec chuyển về PVN năm 2010, xí nghiệp này được đánh giá lại tài sản cố định và giá trị doanh nghiệp. Theo đó, ghi tăng vốn thêm 38 tỷ đồng của PVN tại Petec.

Tuy nhiên, ngay sau khi có kết quả phê duyệt, Bộ Tư lệnh Hải quân đã có công văn không đồng ý việc đánh giá lại tài sản của Xí nghiệp Xăng dầu Cát Lái với lý do thời gian liên doanh chỉ còn 2 năm thì không thể khấu hao hết giá trị tài sản cố định còn lại theo giá trị đã đánh giá lại; khi hết hạn hợp đồng vào tháng 8/2012, Bộ Tư lệnh lo phải bỏ tiền vào gánh chịu giá trị tài sản cố định chưa khấu hao hết.

Đến tháng 8/2012, Petec và Bộ Tư lệnh Hải quân đã thanh lý hợp đồng liên doanh, bán thanh lý hết tài sản của Xí nghiệp Xăng dầu Cát Lái để chia cho liên doanh, bàn giao lại khu đất, cảng Cát Lái.

Đối với việc đánh giá, xác định lại giá trị tài sản của xí nghiệp Xăng dầu Cát Lái khi cổ phần hóa Petec, thanh tra Bộ Tài chính cho rằng, việc xác định này là không đúng quy định. Đối với tài sản do doanh nghiệp cổ phần hóa thuê, mượn, nhận góp vốn liên doanh, liên kết và các tài sản khác không phải của doanh nghiệp thì không tính vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng không điều chỉnh giảm vốn Nhà nước tại Petec và toàn bộ số vốn tăng thêm do đánh giá lại doanh nghiệp được chuyển sang công ty cổ phần và hạch toán kết quả kinh doanh.

Phương Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm