Khi vàng lậu biến hình

Lối đi lớn nhất của vàng lậu trong nhiều năm trước là dập thành vàng miếng bán ra thị trường, nay đã bị chặn. Tuy nhiên, giới buôn vẫn tìm mọi cách để đưa vàng lậu ra - vào Việt Nam, “hợp thức” bằng vàng trang sức.

Bí ẩn vụ giấu vàng gót giầy
 
Bí ẩn vụ giấu vàng gót giầy

 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Ngày 10/3, cơ trưởng và một nam tiếp viên Vietnam Airlines đã bị nhà chức trách Hàn Quốc bắt giữ vì mang trong người 6kg vàng không khai báo. Theo báo chí Hàn Quốc, cơ trưởng Nguyễn Văn Dũng đã giấu 4 thỏi (4 kg) còn tiếp viên Nguyễn Tuấn Phong giấu 2 thỏi (2 kg) vàng trong giày tại sân bay quốc tế Gimhae, thành phố Busan. Lời khai ban đầu, họ sẽ nhận được 250 USD cho mỗi ký vàng vận chuyển thành công tới Hàn Quốc.

 

Có thông tin cho rằng, sở dĩ có việc “chở củi về rừng” (Hàn Quốc tiêu thụ vàng gấp đôi Việt Nam và giá vàng trong nước của Hàn Quốc cao hơn Việt Nam) là bởi xứ sở Kim chi cũng đang “khát” nguồn cung vàng nguyên liệu để chế biến vàng nữ trang; trong khi đó, thuế nhập khẩu vàng vào Hàn Quốc lên tới 3% trong khi Việt Nam chỉ 0% (vừa tăng lên 2% được ít ngày).

 

Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết tại thị trường Việt Nam, lượng vàng nguyên liệu trôi nổi rất nhiều và không quá khó tìm. “Mua vàng trôi nổi giá rẻ rồi đem sang Hàn Quốc, lại không phải chịu thuế nhập khẩu cao thì số tiền lời mà những “người vận chuyển” này được hưởng cao hơn những gì họ khai báo rất nhiều”, ông Hiếu nói.

 

Tuy nhiên, chủ một doanh nghiệp kinh doanh vàng cho rằng, khả năng số vàng trên được xách thuê sang nhưng không đơn thuần là xách một chiều mà sẽ theo hướng đưa vàng nguyên liệu sang gia công thành vàng nữ trang, sau đó lại quay về Việt Nam.

 

“Số vàng này đưa “lậu” sang bên kia rất có thể  sẽ tiếp tục được gia công và “hô biến” thành vàng nữ trang Hàn Quốc, sau đó lại “đưa” về Việt Nam qua cách thức trên theo chiều ngược lại. Như thế họ mới có lãi nhiều, chứ thực tế chênh lệch vàng nguyên liệu giữa mình và họ hiện không lớn như mọi người vẫn nghĩ”.

 

Một cửa hàng mua bán vàng trang sức tại Hà Nội. Ảnh: Như Ý.
Một cửa hàng mua bán vàng trang sức tại Hà Nội. Ảnh: Như Ý.

 

Vàng nguyên liệu trôi nổi

 

Trong khi thị trường vàng miếng im hơi lặng tiếng, thị trường vàng nhẫn tròn trơn giao dịch tăng mạnh đối với cả cửa hàng nhỏ lẻ và doanh nghiệp có thương hiệu lớn. Mở cửa giao dịch sáng ngày 20/4, Cty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu niêm yết vàng nhẫn tròn trơn Vàng rồng Thăng Long: 31,64 - 32,09 triệu đồng/lượng (mua vào, bán ra); vàng nguyên liệu 999.9: 30,35 triệu đồng/lượng mua vào. Như vậy, chênh lệch giữa vàng nguyên liệu và vàng nhẫn gần 2 triệu đồng/lượng (chưa trừ chi phí gia công). Trong khi đó, vàng thế giới đang ở mức 31,37 triệu đồng/lượng.

 

Theo tìm hiểu, một ngày, lượng giao dịch vàng nhẫn tại chuỗi cửa hàng của Bảo Tín Minh Châu lên đến vài trăm lượng vàng. Đại diện Cty này cho hay, nhẫn vàng trơn Vàng rồng Thăng Long được gia công từ nhiều nguồn nguyên liệu vàng khác nhau như: vàng cân, vàng nhẫn từ các cửa hàng khác... Đa số nguồn vàng này đều không đủ tuổi nên phải “gia công” lại cho đủ tiêu chuẩn vàng 999.9.

 

Khảo sát tại nhiều cửa hàng vàng ở Hà Nội, đa số đều sống chủ yếu dựa vào ăn chênh lệch khi mua vào bán ra giữa vàng trang sức và nhẫn tròn trơn. Anh Nguyễn Hưng, chủ cửa hàng vàng trên phố Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội) cho biết nguyên liệu làm vàng nhẫn của cửa hàng mua từ nhiều nguồn khác nhau ở trong dân. “Vàng nguyên liệu khi thu mua thường không đủ tuổi nên giá bị “ép”, kể cả những thương hiệu nhẫn vàng có tiếng trên thị trường. Nếu không muốn bị ép giá, khách hàng mua ở đâu phải bán chính ở đó”, anh Hưng nói.

 

Thống kê của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, mỗi năm, nhu cầu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức khoảng 20 tấn. Tuy nhiên trong mấy năm gần đây, dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định không cho phép doanh nghiệp (DN) nhập khẩu vàng nguyên liệu nhưng với việc các DN vàng vẫn sản xuất ổn định, chứng tỏ lượng vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường được các DN thu mua vào rất lớn. Hiệp hội Kinh doanh vàng cho rằng nguồn vàng nhập lậu vào thị trường Việt Nam hiện nay chủ yếu từ Trung Quốc và Campuchia.

 

Buôn lậu - âm thầm “nóng”

 

Buôn lậu vàng vẫn diễn ra, đặc biệt là trong những thời điểm chênh lệch giá vàng nội - ngoại lên cao. Cuối năm 2014, Cục An ninh tài chính, tiền tệ và đầu tư đã thụ lý nhiều vụ, truy tố nhiều đối tượng liên quan đến vận chuyển tiền giả và buôn lậu vàng qua các cửa khẩu, đặc biệt là tại các cửa khẩu giáp ranh với Campuchia. Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, chênh lệch giá vàng cao ở Việt Nam là nguyên nhân chính dẫn tới gia tăng vàng lậu, tình trạng buôn lậu vẫn âm thầm “nóng”. “Không chỉ chảy máu ngoại tệ, mỗi lần giới buôn lậu “ăn hàng” giá USD lại nóng lên, tạo ra tâm lý bất an trong người dân” - ông Hiếu khẳng định.

 

Vàng trang sức đang là nơi “trú ẩn” của vàng lậu. Một lãnh đạo NHNN cho biết: “Nếu NHNN mạnh tay làm với vàng trang sức đòi hỏi theo đúng tiêu chuẩn, giới buôn vàng coi như hết cửa. Sau khi dẹp xong thị trường vàng miếng, NHNN sẽ làm đến vàng trang sức, tất nhiên là từng bước để doanh nghiệp có sự chuẩn bị”. Theo đó, công cụ “sờ gáy” thị trường vàng trang sức đã ra đời (từ 1/6/2014) là Thông tư 22/2013/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ về quản lý đo lường chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ với việc buộc DN phải tuân thủ quy định như đóng mã ký hiệu, hàm lượng vàng, tuổi vàng, độ tinh khiết… trên từng sản phẩm trước khi lưu thông.

 

Nói về Thông tư 22, sau 9 tháng kể từ ngày thực hiện, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng thừa nhận: “Những DN lớn đã nghiêm túc tuân thủ các quy định như bước đầu trang bị máy móc thiết bị kiểm định vàng khá hiện đại. Tuy nhiên, đó chỉ mới là kết quả bước đầu để thị trường ngấm chính sách phải mất một thời gian nữa”.

 

 Báo cáo Bộ GTVT vụ phi công chuyển vàng

 

Ngày 20/4, trong văn bản gửi Bộ GTVT về vụ việc phi công và tiếp viên bị bắt giữ tại Hàn Quốc vì giấu 6kg vàng dưới đế giày, Tổng GĐ Hãng Hàng không Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh cho biết: “Đến nay, phía hải quan và cảnh sát Hàn Quốc vẫn chưa có thông báo chính thức cho Chi nhánh Vietnam Airlines tại Hàn Quốc”. Ông Minh thừa nhận: “Vụ việc trên đã làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín và hoạt động khai thác của Vietnam Airlines”.    

 

Sỹ Lực

 

 

 Theo Khánh Huyền - Ng.Mai
Tiền Phong
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”