Thái Bình:

Khi Quản lý thị trường hành doanh nghiệp

(Dân trí) - Thời gian gần đây, dư luận Thái Bình đặc biệt là các doanh nghiệp dược phẩm rất bức xúc phản ánh việc một số cán bộ Đội chống hàng giả thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh này trong khi thi hành nhiệm vụ luôn nhũng nhiễu, gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

Sai phạt, đúng cũng... phạt

Ngày 22/8, Đội chống hàng giả Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình (CC QLTT TB) gồm quyền Đội trưởng Bùi Văn Tuấn và các ông Phạm Thế Anh, ông Đỗ Gia Hoành, Đỗ Ngọc Cảnh đã kiểm tra đột xuất cửa hàng của Công ty Dược Cửu Long đại lý tại Thái Bình (Kho tại Công ty Dược phẩm Thái Bình, số 64A Hai Bà Trưng, TP Thái Bình).

Tại đây, Đội chống hàng giả CC QLTT TB đã lập biên bản số 0042305/BB-KT và tiến hành thu giữ 9 mặt hàng thuốc tân dược và yêu cầu người đại diện của công ty này giải trình hồ sơ kỹ thuật của số hàng hoá nói trên.

Tại biên bản làm việc số 0029229/BB-LV do ông Bùi Văn Tuấn ký ngày 14/9 kết luận Công ty Dược Cửu Long đại lý tại Thái Bình đã vi phạm vì “mẫu nhãn vỉ sai so với hồ sơ đăng ký (không ghi rõ viên nang trên sản phẩm). Nhãn vỏ hộp một số nội dung như bán thuốc theo đơn đăng ký bằng tiếng Việt nhưng lại ghi bằng tiếng nước ngoài, không đúng mã số mã vạch” đối với sản phẩm thuốc Cloramphenicol 250mg (số đăng ký VNB-3766-05 sản xuất ngày 24/1/07 No 0050107).

Biên bản vi phạm hành chính số 0000666/BB-VPHC lập cùng ngày của Đội Chống hàng giả CC QLTT TB cũng kết luận mặt hàng thuốc nói trên “sử dụng mẫu nhãn thuốc không đúng mẫu nhãn đã được duyệt” và quyết định xử phạt 5 triệu đồng và buộc phải tái chế sản phẩm. (QĐ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế số 0010389/QĐ- XPHC do Phó Chi cục trưởng Cục QLTT tỉnh Thái Bình Trần Tiến Dũng ký).

Tuy nhiên, theo giải thích của Công ty Dược Cửu Long đại lý tại Thái Bình, trên vỏ hộp các sản phẩm này có ghi cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh theo đúng qui định. Riêng mã số mã vạch, không bắt buộc phải có theo Nghị định 89/2006/NĐ-CP của Chính Phủ.

Đáng ngạc nhiên, trong khi tiến hành kiểm tra và thu giữ cũng như xử phạt trong lĩnh vực y tế, lĩnh vực đòi hỏi người kiểm tra phải có chuyên môn, lại không hề có đại diện của Sở Y tế đi cùng.

Lạm thẩm quyền khung phạt!

Trước đó ngày 30/7, Đội Chống hàng giả CC QLTT TB cũng đã tiến hành kiểm tra cửa hàng Công ty TNHH Sao Mai (577 Lý Thái Tổ, phường Quang Trung, TP Thái Bình).

Tại đây, đội đã tiến hành thu giữ sản phẩm thuốc Antibio&Gastrpulgite do Công ty Cổ phần Dược liệu TW 2- TPHCM nhập khẩu từ nước ngoài với lý do “Chưa xuất trình được nhãn mẫu của Cục Quản lý Dược VN” đối với loại thuốc này và “sản phẩm Antibio có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt” (biên bản làm việc số 0029212/BB-LV ngày 30/7/2007).

Từ đó, ông Bùi Văn Tuấn, quyền Đội trưởng đội Chống hàng giả CC QLTT TB ra quyết định xử phạt 5 triệu đồng. Trong khi đó, theo ghi nhận của chúng tôi thì bên ngoài sản phẩm thuốc Antibio&Gastrpulgite trên bao bì có in vi tính dòng chữ: “Doanh nghiệp nhập khẩu Công ty Cổ phần Dược liệu TW2- TPHCM”. Điều này đã thực hiện đúng theo Thông tư 06/2006/TT-BYT ngày 16/5/2006 của Bộ Y tế ban hành.

Mặt khác, theo pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính và Nghị định 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ, việc ông Tuấn ra quyết định xử phạt với khung 5-10 triệu đồng là “lạm quyền” vì chỉ Chi cục trưởng mới được phép phạt ở khung này.

Chưa hết, ngày 12/9 Đội Chống hàng giả CC QLTT TB tiếp tục quay lại kiểm tra Công ty TNHH Sao Mai lần thứ 2, tạm giữ 58 mặt hàng dược phẩm do 16 công ty trong nước sản xuất (quyết định số 0026164/QĐ-TGTVPT do quyền Đội trưởng Bùi Văn Tuấn ký). Trong khi đó, Luật Thanh tra - Kiểm tra nêu rõ, một năm không được kiểm tra một đơn vị kinh doanh 2 lần nếu đơn vị kinh doanh đó không vi phạm pháp luật.

Việc ra quyết định xử phạt vượt quá thẩm quyền và thành lập đoàn kiểm tra liên tục của Đội chống hàng giả CC QLTT TB liệu có chống được hàng giả hay chỉ nhằm hành doanh nghiệp?

Khánh Linh - Yến Nhi