Khi OPEC “không còn là chính mình”

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) không còn “giả bộ” đoàn kết nữa, mà thay vào đó, mỗi thành viên của khối tự ý hành động theo cách họ muốn - theo hãng tin Bloomberg.

Trong cuộc họp ngày 4/12 tại Vienna, Áo, một cuộc họp mà Bloomberg dùng từ “hỗn loạn” để miêu tả, OPEC một lần nữa gạt sang bên ý tưởng hạn chế sản lượng để kiểm soát giá dầu. Ban đầu, cuộc họp dự kiến diễn ra trong 4 tiếng, nhưng cuối cùng đã kéo dài 7 giờ đồng hồ.


Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Saudi Arabia Ali Al-Naimi phát biểu trước báo giới trước khi điễn ra cuộc họp Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) tại Vienna, Áo ngày 4/12 - Ảnh: Bloomberg.

Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Saudi Arabia Ali Al-Naimi phát biểu trước báo giới trước khi điễn ra cuộc họp Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) tại Vienna, Áo ngày 4/12 - Ảnh: Bloomberg.

Bơm, bơm và bơm

Không chọn cách giảm sản lượng, các nước OPEC tiếp tục chính sách bơm, bơm, và bơm thêm dầu cho tới khi nào các đối thủ ngoài khối như Nga và các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ, cũng như các đối thủ trong nội bộ khối, bị vắt kiệt thị phần. Chính sách này do Saudi Arabia, “anh cả” của OPEC, đi đầu trong hơn 1 năm qua.

“Nhiều người nói là OPEC đã chết. Bản thân OPEC đã xác nhận điều này”, nhà phân tích dầu lửa Jamie Webster thuộc công ty nghiên cứu IHS ở Washington, nhận định.

Từ năm 1982 đến nay, OPEC đã duy trì việc đặt ra một mục tiêu sản lượng và không hề có bất kỳ sự gián đoạn nào. Tuy nhiên, các thành viên của tổ chức này thường “phớt lờ” sản lượng và khai thác vượt ngưỡng mục tiêu. Hạn ngạch khai thác 30 triệu thùng/ngày được OPEC áp dụng từ năm 2011, nhưng hiện nay đã không còn hiệu lực trên thực tế.

Theo dữ liệu do Bloomberg tập hợp, sản lượng của OPEC đã vượt hạn ngạch trong 18 tháng liên tiếp. OPEC tuyên bố sẽ duy trì tốc độ khai thác như hiện tại - nghĩa là bơm khoảng 31,5 triệu thùng dầu/ngày - đồng nghĩa với việc phê chuẩn mức sản lượng không có giới hạn.

Tình trạng dư thừa nguồn cung dầu trên toàn cầu đã đẩy giá dầu Brent tại thị trường London xuống ngưỡng thấp nhất trong 6 năm, khiến ngành dầu khí toàn cầu rơi vào tình trạng khó khăn chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Lợi nhuận của các tập đoàn dầu khí lớn như Exxon Mobil và BP đã giảm một nửa, trong khi các nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu như Nga và Venezuela ngậm ngùi chứng kiến đồng nội tệ lao dốc và quốc khố cạn dần.

Trong cuộc họp ngày 4/12, thậm chí OPEC còn không nói đến đặt mục tiêu sản lượng, bởi có đặt mục tiêu thì sau đó các thành viên cũng không tôn trọng.

“Không có trần”

“Về thực chất, không có trần sản lượng”, Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Iran, ông Bijan Namda Zanganeh, tuyên bố. “Mọi người đều làm theo cách mà họ muốn”.

Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Nigeria, ông Emmanuel Ibe Kachikwu, khẳng định thông điệp này, nói rằng thị trường không nên lo lắng về “ngữ nghĩa” của sản lượng mục tiêu hay sản lượng thực tế.

“Chúng tôi sẽ không quay trở lại thời một tổ chức chống lại người tiêu dùng. Thời đó đã qua rồi”, Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), ông Suhail al Mazrouei, phát biểu.

Hầu hết các nước sản xuất dầu khác “không hề có một mức trần nào”, Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Iraq Adel Abdul Mahdi phát biểu. “Người Mỹ không có trần. Người Nga không có trần. Vậy thì tại sao OPEC lại phải có trần?”

Triển vọng OPEC, khối chiếm gần 40% sản lượng dầu của thế giới, tăng tốc khai thác đã đẩy giá dầu xuống sâu hơn.

Trong vòng chưa đầy 1 tiếng đồng hồ từ hơn 8h đến hơn 9h sáng ngày 4/12 tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao sau giảm 5,7%. Sau đó, giá dầu dao động quanh ngưỡng 40 USD/thùng trong thời gian còn lại của phiên giao dịch.

Vào cuối tháng 6 năm ngoái, giá dầu ngọt nhẹ còn trên ngưỡng 105 USD/thùng.

Thế giới được dự báo sẽ tiếp tục thừa dầu trong năm 2016. Sau nhiều năm bị trừng phạt vì chương trình hạt nhân, Iran đã tuyên bố sẽ tăng sản lượng lên tới 4 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2016 từ mức 3,3 triệu thùng/ngày hiện nay. Thỏa thuận hạt nhân đạt được năm nay giữa Tehran với 6 cường quốc sẽ mở đường cho việc dỡ trừng phạt Iran.

Saudi Arabia đã “thắng”

Ở nhiều thời điểm, cuộc họp ngày 4/12 của OPEC có vẻ như sẽ có một kết thúc gay gắt tương tự như cuộc họp vào tháng 6/2011 - cuộc họp mà các bộ trưởng dự họp không thể đi đến nhất trí về chính sách và công khai đả kích lẫn nhau. Sau cuộc họp đó, Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Saudi Arabia, ông Ali al-Naimi cho biết đã trải qua một trong những cuộc họp “tồi tệ nhất từ trước đến nay”.

Cuộc họp năm nay không bị miêu tả tới mức tồi tệ như vậy, nhưng khi rời khỏi phòng họp, các bộ trưởng đều im lặng và giữ vẻ mặt “khó đăm đăm”.

Chỉ trong vòng một giờ đồng hồ sau khi họp xong, một số đại biểu, gồm bộ trưởng của Saudi Arabia và Iran đã ra sân bay để về nước. Bộ trưởng Al-Naimi của Saudi Arabia thì nói phải tới Paris ngay để dự hội nghị về chống biến đổi khí hậu.

Đại biểu của Venezuela, quốc gia đòi cắt giảm trần sản lượng khoảng 5%, chỉ nói rằng OPEC “chẳng quyết định điều gì”. Điều này được xem như một tín hiệu bất mãn sâu sắc của Venezuela với chính sách mới của OPEC trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này kẹt tiền nghiêm trọng.

Tuy nhiên, các quan chức OPEC đã cố gắng hết sức che giấu sự chia rẽ trong nội bộ. Khi được hỏi về những tranh luận trong cuộc họp, Bộ trưởng Zanganeh của Iran chỉ nói: “Đã diễn ra sự bàn bạc”.

Đó có lẽ là phát biểu lịch sự nhất có thể, bởi đối thủ của Iran là Saudi Arabia đã “thắng” trong cuộc họp này.

Theo Bloomberg, lần này, OPEC không còn vẻ gì là một tổ chức mà nhà ngoại giao Mỹ Henry Kissinger từng miêu tả là có khả năng “tống tiền” các nền kinh tế và các ngành công nghiệp. Thay vào đó, dường như các thành viên OPEC đã dành mấy ngày vừa qua để “bắt nạt” lẫn nhau.

Theo An Huy
Vneconomy

Khi OPEC “không còn là chính mình” - 2