Khi nào kinh tế được xem là phục hồi?
(Dân trí) - Theo ông Nguyễn Chí Dũng, quá trình phục hồi sẽ diễn ra cuối năm 2022 và tăng dần cuối năm 2023. Cuối năm 2023, thực hiện kiểm soát tốt, thì trở lại trạng thái bình thường như mong muốn, kỳ vọng.
Các nội dung chất vấn bao gồm giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới; các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Các vấn đề như công tác chuẩn bị đầu tư, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2021; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và các dự án trọng điểm quốc gia. Tiến độ thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển… cũng nằm trong nhóm nội dung chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.
Các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; Bộ trưởng các Bộ Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Trước Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Bộ Lao động và Thương binh Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đăng đàn trả lời chất vấn.
Theo thông lệ của kỳ họp cuối năm, Thủ tướng Chính phủ sẽ làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sau cùng. Thời gian dành cho Thủ tướng từ 9h50 đến 11h20 ngày mai (12/11). Như vậy, so với dự kiến ban đầu được Tổng thư ký Quốc hội thông tin, thời gian dành cho người đứng đầu Chính phủ đã tăng từ 60 phút lên 90 phút.