Khi kéo giá vàng SJC về gần giá thế giới thì ai được lợi, ai chịu thiệt?

Nhật Quang

(Dân trí) - Phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đang diễn ra. Nhiều đại biểu đặt câu hỏi xoay quanh quản lý thị trường vàng.

Theo chương trình, 8h10 ngày 11/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng.

Phiên chất vấn nằm trong khuôn khổ tuần làm việc thứ 4 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (từ ngày 11/11 đến 13/11). Chủ tịch Quốc hội, Trần Thanh Mẫn sẽ chủ trì điều hành chất vấn.

Tại phiên chất vấn lĩnh vực ngân hàng, thống đốc sẽ trả lời các nội dung về việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động.

Ngoài ra, thống đốc cũng sẽ trả lời về công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, thị trường ngoại hối; Công tác hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau thiên tai.

Khi kéo giá vàng SJC về gần giá thế giới thì ai được lợi, ai chịu thiệt? - 1

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Nguyễn Thị Hồng tại nghị trường Quốc hội sáng 11/11 (Ảnh: Phạm Thắng).

Trước đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Thống đốc cho biết, nguyên nhân chủ yếu khiến giá vàng quốc tế tăng mạnh trong thời gian gần đây là căng thẳng địa chính trị, thương mại, xung đột vũ trang tại nhiều quốc gia trên thế giới leo thang khiến nhu cầu tiêu thụ vàng vật chất ở một số nước và dự trữ vàng của nhiều ngân hàng Trung ương tăng mạnh.

Theo NHNN, giá vàng trong nước biến động tăng mạnh cùng chiều với giá vàng thế giới. Từ đầu năm đến tháng 6, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới nới rộng, đặc biệt là đối với vàng miếng SJC.

Theo NHNN, biến động giá vàng trong nước cơ bản phụ thuộc vào diễn biến của giá vàng thế giới và quan hệ cung - cầu trên thị trường.

Về phía cung, từ năm 2014 đến năm 2023, NHNN không tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường. Tuy nhiên, từ tháng 4 đến nay, NHNN thực hiện can thiệp thị trường vàng qua đấu thầu và bán vàng miếng trực tiếp để bổ sung nguồn cung vàng miếng SJC cho thị trường, hạn chế tác động đến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, ngoại hối.

Về phía cầu, giá vàng thế giới liên tục tăng cao, cùng những khó khăn của các kênh đầu tư khác (bất động sản đóng băng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ảm đạm, lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp…) khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, theo NHNN, qua theo dõi của các đơn vị trong hệ thống phản ánh nhu cầu mua vàng chủ yếu tập trung tại TP Hà Nội, TPHCM và có yếu tố tâm lý, kỳ vọng.

Bên cạnh các lý do nêu trên, NHNN cho rằng, không loại trừ khả năng có sự tồn tại của các hành vi thao túng thị trường, vi phạm các quy định liên quan của pháp luật về thuế, cạnh tranh… dẫn đến tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước (đặc biệt là vàng SJC) và thế giới.

Theo NHNN, hiện vẫn còn chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Thị trường vẫn chưa thực sự ổn định bền vững, vẫn chịu tác động bởi yếu tố tâm lý, kỳ vọng, tiềm ẩn rủi ro tác động đến thị trường tiền tệ, ngoại hối; chưa khuyến khích người dân bán vàng chuyển thành Việt Nam đồng để đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, có một số sản phẩm vàng trang sức mỹ nghệ có hàm lượng 99,99% được sử dụng có tính chất như vàng miếng (không ngoại trừ nguồn nguyên liệu để sản xuất từ nguồn vàng nhập lậu)

Theo NHNN, hiện tượng này dễ bị lợi dụng làm giảm hiệu quả quản lý chặt chẽ thị trường vàng miếng của Nghị định 24/2012.

Trong thời gian tới, NHNN cân nhắc can thiệp thị trường vàng (nếu cần thiết) với khối lượng, tần suất phù hợp nhằm mục tiêu ổn định thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.