Khát vốn, ACV xin "đốt cháy giai đoạn", tăng giá dịch vụ hàng không
(Dân trí) - Theo nguồn tin của Dân trí, dù đề xuất tăng giá dịch vụ hàng không (DVHK) của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (AVC) chưa được Bộ Giao thông Vận tải thông qua nhưng tổng công ty này đã lại có đề nghị khác: Rút ngắn lộ trình tăng giá dịch vụ hàng không tại các sân bay lớn, có lượng hành khách thông qua cao.
Khát tiền đầu tư
Trong báo cáo gửi lên Bộ Giao thông Vận tải, AVC cho biết, trong các năm 2016-2020, tổng mức đầu tư hạ tầng cảng hàng không cần khoảng 31.670 tỷ đồng. Trong khi, nhu cầu vốn dự kiến giải ngân trên 22.140 tỷ đồng.
Theo ACV, trong giai đoạn tới (2017-2020), Tổng công ty này có khả năng không đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư nâng cấp, mở rộng kết cấu hạ tầng cảng hàng không do lợi nhuận sau thuế trung bình cho giai đoạn này chỉ khoảng 2.500 tỷ đồng/năm. Ngoài phần chia cổ tức, ACV cũng chỉ còn 800-1000 tỷ đồng/năm để trích lập vào Quỹ đầu tư phát triển. Do đó, Tổng công ty này cho rằng, việc đề chỉnh chỉnh giá dịch vụ hàng không để có nguồn đầu tư cho hạ tầng hàng không giai đoạn tới là "vô cùng cấp thiết".
Lần này, ACV đề nghị bổ sung 4 cảng hàng không gồm Phú Quốc, Phú Bài (Huế) Liên Khương (Đà Lạt) và Buôn Mê Thuột vào danh sách các Cảng hàng không nhóm A (nhóm cảng khai thác 24/24h) cùng với các Cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Vinh và Phú Bài.
Nếu theo đề nghị này của ACV, mỗi hành khách sẽ phải chịu tăng thêm khoảng 25.000 đồng giá dịch vụ hàng không
Như tin Dân trí đã đưa trước đó, trong tháng 3/2017, Cục Hàng không Việt Nam đã đồng ý về đề xuất tăng giá dịch vụ hàng không của ACV và có văn bản báo cáo Bộ GTVT, kiến nghị thông qua việc điều chỉnh khung giá thu đối với hành khách đi tuyến quốc nội.
Theo đó, các loại giá dịch vụ đối với hành khách đi quốc nội sẽ được điều chỉnh tăng theo hướng thu hẹp khoảng cách giữa quốc nội và quốc tế xuống mức chênh lệch từ 2-4 lần; tăng mức giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa và phí đỗ tàu bay qua đêm.
"Đốt cháy giai đoạn" để tăng giá
Trước đây, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, giá dịch vụ hàng không cần chưa thành 4 giai đoạn để giảm tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ hàng không để thực hiện từ 1/10/2017. Cục Hàng không Việt Nam cũng nhất trí với quan điểm này.
Nhưng ACV vẫn không muốn theo phương án đó và trong phương án mới nhất, Tổng công ty này xin rút ngắn xuống còn 3 giai đoạn. Cụ thể, từ ngày 1/10 tới, Tổng công ty này đề xuất tăng 75.000 đồng/hành khách; từ ngày 1-1-2018 tăng 85.000 đồng/hành khách; từ ngày 1-7-2018 tăng 100.000 đồng/hành khách.
ACV nêu: Với lộ trình tăng giá này, doanh nghiệp sẽ tăng doanh thu 1.148 tỷ đồng (tăng thêm 105 tỷ đồng so với phương án của Cục Quản lý giá và Cục Hàng không). Như vậy, đối với hành khách, mỗi vé máy bay 1 chiều sẽ tăng thêm 25.709 đồng/vé giá dịch vụ hàng không tăng thêm…
Đáng chú ý, với đề xuất mới của ACV, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng ,về lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ hàng không, để tránh các tác động tiêu cực, vẫn nên thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ hàng không theo khuyến cáo của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính là không rút ngắn lộ trình tăng giá dịch vụ hàng không theo kiến nghị của ACV.
Cục Hàng không Việt Nam cũng kiến nghị bổ sung quy định về tỷ lệ giá hạ cất cánh/giá phục vụ mặt đất trọn gói tại cảng hàng không nhóm C để tạo cơ sở cho việc xác định mức thu hạ cất cánh tại cảng hàng không nhóm C trong điều kiện khu bay chuyển giao lại cho Nhà nước.
Theo một số chuyên gia về hàng không, nếu đề nghị của ACV được thông qua chắc sẽ tác động lên các hãng hàng không và hành khách. Phần tăng chi của các hãng hàng không chắc chắn sẽ được các hãng tính toán dồn lên hành khách thông qua việc tăng giá vé.
Hà Nguyễn