Gần 1 tỷ USD cổ phiếu “ông lớn” cảng hàng không được “lên sàn”

(Dân trí) - Một năm sau cổ phần hóa, cổ phiếu ACV của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP đã chính thức được giao dịch trên UPCoM với tổng giá trị đăng ký giao dịch lên tới hơn 21.771 tỷ đồng.

Đầu tháng này, hơn 2,17 tỷ cổ phiếu của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (mã chứng khoán: ACV) được chấp thuận đăng ký giao dịch trên UPCoM, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội với tổng giá trị đăng ký giao dịch lên tới hơn 21.771 tỷ đồng.

Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam được thành lập năm 2012 trên cơ sở hợp nhất các Tổng Công ty Cảng hàng không ở 3 miền Bắc - Trung - Nam. ACV được cổ phần hóa năm 2015 và chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ ngày 1/4/2016 với vốn điều lệ 21.771 tỷ đồng, trong đó Bộ Giao thông Vận tải là cổ đông lớn nhất (nắm giữ 95,4% vốn cổ phần).


Bộ Giao thông Vận tải vẫn đang nắm giữ trên 95% vốn cổ phần ACV

Bộ Giao thông Vận tải vẫn đang nắm giữ trên 95% vốn cổ phần ACV

ACV hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, có quy mô khai thác vận chuyển, quản lý đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không lớn nhất cả nước, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực với 3 công ty con, 10 công ty liên doanh liên kết và đầu tư dài hạn khác.

Hiện nay, “ông lớn” này trực tiếp khai thác 22 cảng hàng không, trong đó có 9 cảng quốc tế (Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Bài, Cam Ranh, Chu Lai, Phú Quốc, Cần Thơ, Vinh) và 13 cảng quốc nội (Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Phù Cát, Pleiku, Tuy Hòa, Đồng Hới, Cát Bi, Nà Sản, Điện Biên, Thọ Xuân).

Ngoài dịch vụ hàng không thì ACV cũng hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ phi hàng không và bán hàng. Trong đó, hoạt động cung cấp dịch vụ hàng không chiếm vẫn tỷ trọng lớn nhất (trên 80%) doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của ACV trong hai năm 2014, 2015.

Dịch vụ hàng không của ACV bao gồm các dịch vụ chủ yếu như phục vụ khách hàng, dịch vụ hạ cất cánh, phục vụ mặt đất và soi chiếu an ninh...

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh dịch vụ phi hàng không của tổng công ty chủ yếu từ việc khai thác không gian thương mại và diện tích mặt bằng trong nhà ga do ACV quản lý như cho thuê mặt bằng, văn phòng, dịch vụ quảng cáo, bến bãi giữ xe...

Báo cáo tài chính công ty mẹ ACV trong hai năm 2014-2015 cho thấy, mặc dù vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này tăng nhẹ 0,57% và doanh thu thuần tăng mạnh hơn 36% lên 10.870 tỷ đồng trong năm 2015, song lợi nhuận sau thuế của ACV lại giảm tới 32,65% so với 2014, đạt 1.647,3 tỷ dồng.

Năm 2016, ACV đặt mục tiêu doanh thu thuần 12.095 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 2.056 tỷ đồng, tỷ lệ chia cổ tức ở mức 5%.

Bích Diệp