TPHCM:

Khẩn cấp "thông tắc" gói tín dụng 30.000 tỷ đồng

(Dân trí) - Chỉ còn chưa đến 1 năm nữa là hết thời hạn giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng nhưng đến nay mới chỉ giải ngân được hơn 20%. Nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra là ít có đối tượng đáp ứng được các điều kiện để vay.

“Ì ạch”… gói tín dụng

Tại hội thảo về các dự thảo nghị định quy định chi tiết Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) do Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) phối hợp cùng Vụ Kinh tế ngành - Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 17/7 vừa qua, nhiều chuyên gia đã chỉ ra những bất cập trong việc triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.

Theo thống kê, đến nay, mặc dù đã có 15 ngân hàng thương mại tham gia thực hiện cho vay hỗ trợ nhà ở theo gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng nhưng kết quả giải ngân chỉ mới đạt được hơn 20%. Tiến độ giải ngân này được đánh giá là “quá thấp, quá chậm và không đạt như kỳ vọng” để hỗ trợ người thu nhập thấp tiếp cận nhà ở. Trong khi đó, chỉ còn 1 năm nữa, tức là đến ngày 1/6/2016, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng sẽ hết thời hạn giải ngân.

Nhiều ý kiến góp ý cởi trói cho gói 30.000 tỷ đồng được bàn luận tại hội thảo 
Nhiều ý kiến góp ý "cởi trói" cho gói 30.000 tỷ đồng được bàn luận tại hội thảo 

Theo Hiệp hội bất động sản TPHCM, nguyên nhân của sự chậm trễ, gây ách tắc trong việc xét duyệt và giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng chính là do ảnh hưởng bởi công văn 395/BXD-QLN ngày 3/3/2015 của Bộ Xây dựng.

Công văn số 395 hướng dẫn triển khai cho vay hỗ trợ nhà ở theo Thông tư số 17/2014/TT-BXD quy định người có thu nhập thấp “là người làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế hoặc lao động tự do tại khu vực đô thị có mức thu nhập không phải đóng thuế thu nhập cá nhân, theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân”. 

Theo tinh thần công văn này thì tổng thu nhập của người có thu nhập thấp phải ở mức không phải đóng thuế thu nhập cá nhân (9 triệu đồng/tháng). Trong khi các ngân hàng thương mại cho rằng người có tổng thu nhập dưới mức thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân (9 triệu đồng/tháng) thì không đủ điều kiện về chứng minh khả năng tài chính để trả nợ vay khi tham gia gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, do vậy, không đủ điều kiện được vay để mua nhà.

Đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM cho rằng hiện nay, giá nhà đất ở TPHCM tương đối cao. Vì vậy, với các quy định hiện nay thì người thu nhập thấp không thể mua được. Trong khi đó, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng buộc phải chứng minh thu nhập dưới 9 triệu đồng, còn ngân hàng lại không muốn cho người thu nhập thấp vay.

Nghĩa là, tiền thì có, nhu cầu mua nhà là có thật nhưng xét theo tiêu chí thì ít có người đảm bảo điều kiện vay của gói 30.000 tỷ đồng.

Đại diện của một doanh nghiệp bất động sản khẳng định, Bộ Xây dựng không có thẩm quyền xác định đối tượng người có thu nhập thấp. Chính phủ đã giao thẩm quyền này cho UBND cấp tỉnh để phù hợp với thực tế tình hình tại từng địa phương.

“Chính việc “cầm đèn chạy trước ô tô” này dẫn đến “ách tắc” trong giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng”, lãnh đạo doanh nghiệp này nói.

Theo các chuyên gia BĐS, thẩm quyền xác định đối tượng 
Theo các chuyên gia BĐS, thẩm quyền xác định đối tượng người có thu nhập thấp là của UBND cấp tỉnh

“Cởi trói” cho gói 30.000 tỷ đồng

Để tháo gỡ “ách tắc” cho gói 30.000 tỷ đồng, Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng xem xét điều chỉnh, sửa đổi công văn số 395 và nhiều thông tư liên quan, giao thẩm quyền quy định đối tượng người có thu nhập thấp cho UBND cấp tỉnh. HoREA đề nghị Bộ Xây dựng không quy định người có thu nhập thấp phải có mức thu nhập không phải đóng thuế thu nhập cá nhân.

HoREA cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại không yêu cầu người vay từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng phải chứng minh thu nhập khác, bởi lẽ đã có tài sản đảm bảo cho khoản vay mua nhà, chính là căn hộ hình thành trong tương lai mà người có thu nhập thấp đã ký hợp đồng mua. Các Ngân hàng thương mại chỉ nên yêu cầu người vay có văn bản cam kết trả nợ đúng hạn theo hợp đồng vay, hoặc ghi rõ cam kết này trong hợp đồng vay.

Đối với doanh nghiệp, HoREA đề nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước xem xét cho doanh nghiệp đang đầu tư các dự án nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ (dưới 70m2), giá bán dưới 15 triệu đồng/m2… được vay gói 30.000 tỷ đồng để hoàn thiện nhà, góp phần tăng sản phẩm cho thị trường và giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu.

“Việc cho vay gói hỗ trợ này cũng nên áp dụng cho các doanh nghiệp vướng nợ xấu nhưng có những dự án nhà ở thương mại hoặc nhà ở xã hội đáp ứng các điều kiện của gói tín dụng ưu đãi. Có như vậy mới đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nói.

Công Quang

 

Khẩn cấp thông tắc gói tín dụng 30.000 tỷ đồng