Khách sạn đóng cửa, giảm giá: Cuộc khủng hoảng chưa từng có

Khách sạn trên phố cổ hiện nơi đóng cửa, nơi treo biển giảm giá đến 60%. Nhiều chủ khách sạn đứng trước bờ vực phá sản.

Khách sạn đóng cửa, giảm giá: Cuộc khủng hoảng chưa từng có - 1

Nhiều khách sạn phố cổ treo biển giảm giá nhưng vẫn ế ẩm

Nhấc máy trả lời điện thoại với giọng uể oải, bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc chuỗi khách sạn Hanoi Emerald Waters Hotel cho biết, sau khi cho loạt nhân viên tạm nghỉ, bà đang trên đường về quê vì “quá mệt mỏi”. Được biết, mỗi tháng khách sạn mất hàng trăm triệu tiền thuê mặt bằng, chưa kể chi phí điện nước, trả lương cho gần 100 nhân viên của cả hệ thống.

4 trong tổng số 9 khách sạn mà bà Hằng gây dựng đã không hoạt động 2 tháng nay vì vắng khách.

Một chi nhánh của chuỗi khách sạn này tại 38 Lò Sũ đã phải đóng cửa, nhân viên nghỉ việc 4 tháng với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng. Lần cuối khách sạn này hoạt động là vào 23/2, khi mà số tiền thuê phòng thu được chưa đến 3 triệu đồng/ngày.

Cách đó vài mét, một chi nhánh khác đang cầm cự với số nhân sự cắt giảm so với trước gần một nửa và họ chấp nhận mức lương "đồng giá" 4 triệu đồng/người mà không phân biệt cấp bậc hay vị trí, dù trước đó một đầu bếp được trả thù lao cao gấp 3 lần.

Bà Hằng cho biết, ngân hàng giờ không cho vay thêm, mà tiền thì ngày nào cũng phải trả. Bà này chia sẻ: “Tôi đã tính đến phương án xấu nhất, nếu đến tháng 10 tình hình không được cải thiện có khả năng tôi sẽ trả mặt bằng, dừng hẳn kinh doanh”.

Khách sạn đóng cửa, giảm giá: Cuộc khủng hoảng chưa từng có - 2

Khách sạn trên phố cổ cái đóng cửa, cái treo biển giảm giá tới 60%.

Ghi nhận trên các tuyến phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), không ít khách sạn đang đề biển giảm giá mạnh có nơi 50%, có nơi trên phố Hàng Bè, Hàng Buồm lên đến 60%. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đức (một chủ khách sạn) vẫn lo lắng bởi “chưa có cuộc khủng hoảng nào lớn như lần này”.

Là người có thâm niên trong ngành khách sạn, từng vượt qua khủng hoảng kinh tế hay cả dịch SAÁ hơn 10 năm trước, thế nhưng lần này ông Đức lo lắng hơn cả, bởi dịch chưa biết đâu là đỉnh, cũng chưa biết kéo dài bao lâu.

“Nếu kéo dài quá 6 tháng chắc chắn tôi sẽ phá sản. Hiện không thể thiếu được hỗ trợ chung sức của cơ quan nhà nước như lùi thời hạn nộp thuế, phí doanh nghiệp, hỗ trợ giãn nợ từ ngân hàng…”, ông Đức nói. 

Không chỉ ảnh hưởng các cơ sở trong phố cổ, các khách sạn lớn 3, 4, 5 sao đều bị ảnh hưởng bởi dịch. Thống kê của Phòng Quản lý lưu trú (Sở Du lịch thành phố Hà Nội) cho thấy, những ngày cuối tháng 2/2020, công suất sử dụng phòng chỉ ở mức 45%; trong đó có ngày giảm dưới mức 35%.

Ông Bùi Thanh Hải - Quản lý Khách sạn The Oriental Jade (92 Hàng Trống) cho biết, khách sạn có 90 phòng và 80 nhân viên phục vụ. Từ sau Tết do dịch Covid-19 lượng khách sụt giảm khoảng 60%.

Theo ông Hải, thời điểm này các cơ sở lưu trú đều trong tình trạng chung vì khách hủy tour, hủy phòng khách sạn rất nhiều. Tuy nhiên, thời điểm này chưa phải lúc để kiến nghị đề xuất các chính sách.

“Khách sạn đang phối hợp chặt chẽ với phường, làm tốt công tác vệ sinh khử khuẩn, phòng chống dịch. Để khách hàng yên tâm mới là biện pháp tốt nhất để tạo đà tăng trưởng cho ngành lưu trú nói riêng và du lịch nói chung”, vị quản lý khách sạn nói.

Khách sạn đóng cửa, giảm giá: Cuộc khủng hoảng chưa từng có - 3

Các khách sạn lớn 5 sao trên địa bàn sụt giảm còn 35% tỷ lệ lấp đầy phòng.

Cách đó không xa, khách sạn Ha Noi Pearl trên phố Bảo Khánh cũng có lượng khách sụt giảm đến 50%. Ngoài công việc quản lý, điều hành như thường ngày, chị Nguyễn Thị Thảo - quản lý khách sạn có thêm nhiệm vụ kiểm tra, tập huấn nhân viên về khử khuẩn, cách rửa tay và cách hướng dẫn khách đến lưu trú đảm bảo công tác phòng dịch.

“Nhân viên đều được đo nhiệt độ mỗi sáng đi làm, ngay cả nhân viên ship đồ cũng phải đeo khẩu trang mới được vào khách sạn. Sự yên tâm của khách hàng sẽ tạo nên uy tín của khách sạn”, chị Thảo tâm sự.

Là người đề xuất mở chiến dịch tổng thể cho du lịch Việt Nam với chủ đề "Vietnam, I am safe" (tạm dịch – Việt Nam, đất nước an toàn”), ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng Giám đốc Vietravel cho rằng, chúng ta phải nhận định chính xác: khủng hoảng này không chỉ là khủng hoảng về thị trường khách, mà trước hết là khủng hoảng tâm lý. Mà khủng hoảng tâm lý thì phải giải quyết bằng tâm lý.

Theo ông Kỳ, Việt Nam đang làm tốt phòng chống Covid-19, do đó cần khẳng định chúng ta là đất nước an toàn. Cái đó phải để thế giới biết thì người ta mới đến được. “Người ta đang sợ dịch mà quảng bá mua 1 tặng 1 liệu bạn có đến không?”, lãnh đạo Vietravel đặt câu hỏi.

Theo một chuyên gia du lịch, các khách sạn giảm giá như hiện nay chỉ là cách cắt giảm lợi nhuận của doanh nghiệp, không phải giải pháp căn cơ. “Nếu người ta đang lo sợ dịch vụ có vấn đề thì giảm giá liệu có tác dụng hay không?”.

Theo vị này, việc tốt nhất hiện nay là cơ cấu lại hoạt động, nâng cấp dịch vụ trong thời điểm dịch bệnh. Từ dịch vụ tốt, những biện pháp kiểm soát tốt, Hà Nội sẽ tiếp tục khẳng định hình ảnh, vị thế của một thành phố du lịch uy tín trên thế giới; điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn đối với du khách.

Trong thời gian này, công an, trạm y tế các phường thường xuyên đến kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn. Được biết, tại quận Hoàn Kiếm, công tác quản lý khách lưu trú đã được hiện đại hóa qua ứng dụng internet. Khi khách đến khách sạn trình hộ chiếu sẽ cập nhập qua phần mềm khách sạn, được kết nối với phần mềm quản lý hành chính công an quận. Qua đó, công an quận nắm rõ lượng khách lưu trú trên toàn địa bàn mỗi ngày. Từ đó, kết hợp với công an phường địa bàn phân loại quản lý chặt chẽ.

Theo Hiểu Minh

Tiền Phong