Kêu ngày lỗ cả trăm triệu đồng, đại lý xăng lại loạn lên vì khan hàng

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Không chỉ một vài doanh nghiệp mà rất nhiều đại lý, phân phối cũng than thở gặp trục trặc về nguồn cung.

Chủ cây xăng than nguồn cung nhỏ giọt, mua cao bán thấp

Chia sẻ với Dân trí sáng nay (26/8), một chủ cửa hàng xăng dầu ở Hà Đông (Hà Nội) than thở: "Tình hình nguồn cung xăng dầu căng quá".

Ông vừa kể vừa chỉ vào thông báo trên điện thoại: Sáng nay kho thông báo hết xăng, dầu thì chiết khấu âm 2.000 đồng mỗi lít. Tức là cứ bán được 1 lít dầu, vị này sẽ phải chịu lỗ 2.000 đồng về giá, chưa tính chi phí khác.

Kêu ngày lỗ cả trăm triệu đồng, đại lý xăng lại loạn lên vì khan hàng - 1

Nhiều doanh nghiệp xăng dầu than thở vấn đề nguồn cung (Ảnh: Mạnh Quân).

"Ngày lỗ cả trăm triệu thế sao chúng tôi chịu được, chắc phải đóng cửa. Không chỉ tôi, rất nhiều chủ cây xăng khác cũng đang loạn lên vì nguồn cung, chiết khấu", chủ cửa hàng xăng dầu than thở.

Không chỉ đại lý, các thương nhân phân phối cũng mệt mỏi vì nguồn hàng. Ông Đào Minh Huệ - Giám đốc Công ty TNHH Huy Hoàng - cho biết, tình hình nguồn cung vô cùng khó khăn. Trong 1 tuần trở lại đây, chỉ lấy được khoảng 10-15% lượng hàng so với thời điểm bình thường.

Với số lượng hàng ít ỏi, chiết khấu không có, vị thương nhân phân phối này phải chia nhỏ giọt cho các khách hàng đại lý. Ông cho biết, các mặt hàng không được thông báo hết đồng loạt. Do vậy, sẽ có những cây xăng hết E5 RON 92, còn RON 95 và dầu. Ngược lại, cũng có cửa hàng thiếu dầu, còn xăng.

"Nhìn chung tình hình rất căng thẳng, không biết doanh nghiệp có thể chịu được bao lâu nữa", ông Huệ chia sẻ.

Ông Huệ cho biết, ông cùng nhiều thành viên khác trong Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam sẽ có đơn tổng hợp, kiến nghị lên cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề này. Theo đó, cần làm rõ, xem xét xem việc thiếu nguồn cung này nằm ở đâu, liệu có tình trạng "găm hàng" chờ tăng giá từ các doanh nghiệp đầu mối hay không?

Chia sẻ với Dân trí, không chỉ một vài doanh nghiệp mà rất nhiều đại lý, phân phối cũng trong cảnh tương tự khi gặp trục trặc về nguồn cung. Lãnh đạo một doanh nghiệp phân phối xăng dầu cũng nhấn mạnh, ở thời điểm thị trường có nhiều biến động, rất cần sự chia sẻ từ các doanh nghiệp đầu mối trong vấn đề nguồn hàng, đảm bảo sự phát triển chung của xã hội, chứ không chỉ là vấn đề lỗ lãi thông thường.

Lo lùi thời điểm điều chỉnh tăng giá, nguồn cung càng náo loạn

Lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu dự báo, giá xăng dầu trong kỳ điều chỉnh sắp tới có thể sẽ tăng. Trong đó, giá thành phẩm dầu đang tăng rất cao nên giá trong nước cũng có thể điều chỉnh ở mức mạnh.

Theo dữ liệu mới cập nhật của Bộ Công Thương, giá xăng RON 95 trên thị trường Singapore hôm 24/8 đã tăng lên gần 116 USD/thùng, còn dầu diesel lên gần 147 USD/thùng.

Trong khi đó, kỳ điều chỉnh giá xăng dầu tới đây nhiều khả năng sẽ được lùi thời gian sang ngày 5/9 thay vì 1/9 do rơi vào kỳ nghỉ lễ. Nhiều doanh nghiệp xăng dầu rất phấp phỏng về vấn đề này.

Ông V.T, giám đốc một doanh nghiệp phân phối xăng dầu, lo "lịch sử" sẽ lặp lại khi thời gian điều chỉnh tăng bị lùi tới 4 ngày. Tình trạng náo loạn về nguồn cung với nỗi lo găm hàng có thể xảy ra. Thực tế cũng đang cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp kêu không nhập được hàng, chiết khấu không những 0 đồng mà còn âm tới vài nghìn đồng.

Kêu ngày lỗ cả trăm triệu đồng, đại lý xăng lại loạn lên vì khan hàng - 2

Một cửa hàng xăng dầu đóng cửa hồi đầu năm nay do "khát" nguồn cung (Ảnh: DMS).

Còn nhớ tại kỳ điều chỉnh đầu năm nay, hôm 11/2, giá xăng bán lẻ trong nước đã vượt 25.000 đồng/lít - mức cao nhất 8 năm. Đợt điều chỉnh giá lần này chậm 10 ngày so với thông thường do kỳ điều chỉnh ngày 1/2 rơi vào mùng 1 Tết nên theo Nghị định 95 sẽ chuyển sang kỳ điều hành tiếp theo.

Cùng khoảng thời gian này, hàng loạt bất cập trong vấn đề nguồn cung xăng dầu bộc lộ rõ nét hơn. Một loạt cửa hàng xăng dầu ở khu vực phía nam đóng cửa, treo biển hết hàng…

Một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này đã được chỉ ra. Thứ nhất, việc lùi thời gian điều chỉnh bất chấp giá thế giới tăng cao, khiến giá trong nước bị nén lại. Khi doanh nghiệp càng bán càng lỗ sẽ dễ dẫn tới hiện tượng găm hàng hoặc không muốn bán hàng…

Nhiều chuyên gia lập tức lên tiếng cho rằng nếu giá xăng dầu được điều chỉnh sớm và linh hoạt hơn thì sẽ không xảy ra hiện tượng đóng cửa, ngừng bán, gây xáo trộn và ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng.

Ở thời điểm này, một loạt doanh nghiệp xăng dầu cũng chia sẻ với Dân trí, cần cân nhắc kỹ vấn đề điều chỉnh giá và đảm bảo nguồn cung cho hệ thống, xử lý kịp thời việc "găm hàng" ở các khâu như đầu mối.

Bộ Công Thương nói gì?

Trong bối cảnh thị trường được phản ánh có những xáo trộn không nhỏ về nguồn cung, chiều 25/8, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã có yêu cầu giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng ngừng bán hàng không có lý do chính đáng.

Cơ quan này cũng yêu cầu các thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về kinh doanh xăng dầu; xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm trong kinh doanh.

Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc, Vụ thị trường trong nước đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố báo cáo kịp thời về Bộ Công Thương để phối hợp xử lý.

Phía Bộ Công Thương cũng cho biết đã gửi công văn đề nghị các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, các thương nhân phân phối xăng dầu chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu (đối với các thương nhân đầu mối) để bảo đảm cung cấp đầy đủ cho thị trường trong nước thời gian tới.

"Không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh; duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp và cung cấp đủ hàng cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp", Bộ Công Thương yêu cầu.

Cũng theo Bộ Công Thương, cần chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối, cho các khách hàng một cách hợp lý để bảo đảm không gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường;

Lãnh đạo Vụ thị trường trong nước chia sẻ thêm, hiện nay đang vào giai đoạn cuối năm, nhu cầu sử dụng xăng dầu phục vụ việc đi lại, sinh hoạt của người dân và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tăng cao (đặc biệt vào các dịp nghỉ lễ như lễ Quốc khánh 2/9, tết Trung Thu, Giáng sinh…).