1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Kênh đào Nicaragua: Cú “tập hậu” Trung Quốc vào sân sau của Mỹ?

Dự án kênh đào Nicaragua giúp Trung Quốc thu lợi lớn về kinh tế, đồng thời giành giật vị thế địa - chính trị quan trọng ở ngay “sân sau” của Mỹ.

Nghi ngờ có bàn tay của chính phủ Trung Quốc đằng sau dự án

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Ngày 13-6-2013, với số phiếu thuận 61 so 28 phiếu phản đối, Quốc hội Nicaragua đã biểu quyết thông qua dự án kênh đào xuyên Nicaragua có tổng vốn đầu tư 40 tỉ USD, nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Đây là dự án được coi là lịch sử trong hợp tác phát triển kinh tế với nước ngoài của quốc gia này.

Ngày 15-6-2013, Tổng thống Daniel Ortega và người đứng đầu HKND - doanh nhân người Trung Quốc Wang Jin ký Hiệp nghị, chính thức cấp phép đầu tư xây dựng dự án lớn nhất châu Mỹ Latin trong 100 năm qua. Công ty của Trung Quốc được ưu đãi trao cho quyền xây dựng và quản lý kênh cùng các dự án liên quan trong thời hạn 50 năm.

Tuy nhiên hợp đồng còn có những điều khoản mở có lợi cho công ty Trung Quốc. Chính quyền Nicaragua đã cho phép Công ty HKND được quyền gia hạn thêm 50 năm nữa và xây dựng dọc theo tuyến kênh này 2 khu mậu dịch tự do, 1 đường ống dẫn dầu, 1 sân bay và 1 tuyến đường sắt.

Về phía Nicaragua, họ sẽ được nhận 1% lợi nhuận trong năm đầu tiên kênh đào đi vào hoạt động và tỷ lệ lợi nhuận được hưởng sẽ tăng 10% sau mỗi thập kỷ và sẽ đạt 100% sau 100 năm. Như vậy, sau 100 năm Nicaragua mới chính thức lấy lại quyền quản lý con kênh của mình.

Công trình xây dựng kênh đào Nicaragua được mệnh danh là “dự án thế kỷ” không chỉ do số vốn đầu tư khổng lồ của nó. Con kênh sẽ kết nối Thái Bình Dương với Biển Caribe, rút ngắn hành trình tàu bè hàng chục ngàn km và sẽ là một đối thủ cạnh tranh chính của kênh đào Panama, mà ngay cả sau khi tu sửa cũng chỉ có thể đảm đương được một nửa công suất vận chuyển.

Kênh đào Nicaragua tương lai với chiều dài 278 km sẽ đi từ cửa sông Brito trên bờ Thái Bình Dương đến cửa sông Punta Gorda trên bờ Đại Tây Dương, cách kênh đào Panama khoảng 600km. Tham gia công việc xây dựng sẽ có 200 nghìn công nhân. Theo dự kiến, ​​con kênh mới sẽ đảm bảo khoảng 5% lưu lượng vận tải đường biển quốc tế.

Nếu dự án kênh đào Nicaragua hoàn tất, kênh đào Panama sẽ có đối thủ nặng ký

Nếu dự án kênh đào Nicaragua hoàn tất, kênh đào Panama sẽ có đối thủ nặng ký

Trung Quốc "đặt cược" vào dự án này vào tháng 10 năm 2013, khi tổ chức cuộc đàm phán đầu tiên về kênh đào với con trai Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega tại thủ đô Bắc Kinh. Ngay từ khi đó, các chuyên gia chỉ ra rằng Bắc Kinh đã ném ra lời thách thức mới cho Washington tại châu Mỹ Latinh, vì đây sẽ là phương án thay thế cho kênh đào Panama do Mỹ kiểm soát.

Vào thời điểm đó, đoàn đại biểu Nicaragua đã đến thăm Trung Quốc lần đầu tiên sau 23 năm. Đó là chuyến thăm không chính thức và không được tuyên bố công khai bởi trên thực tế hai nước đã cắt đứt quan hệ ngoại giao. Managua duy trì mối quan hệ chính thức với Đài Bắc, đó là điều không thể chấp nhận đối với Bắc Kinh.

Đoàn Nicaragua đã sang thăm Hồng Kông theo lời mời của HK Nicaragua Development Investment, là công ty sau này đã nhận được quyền xây dựng và vận hành kênh đào, đồng thời cũng là công ty nhận được quyền xây dựng hàng loạt các công trình kinh tế trọng điểm như cảng biển, nhà máy lọc dầu, sân bay…, ở bán đảo Crimea của Nga (trước đây thuộc Ukraine).

Khi đó, lãnh đạo công ty Hồng Kông là tỷ phú 42 tuổi Wang Jing nhấn mạnh rằng, dự thảo mang tính chất "hoàn toàn thương mại", phi chính trị và không có sự hỗ trợ của chính phủ. Trong khi đó, để chuẩn bị nghiên cứu tính khả thi cho dự án, công ty này đã thuê các chuyên gia của tập đoàn nhà nước Trung Quốc là China Railway Construction!???

Hơn nữa, thật khó hình dung một công ty vốn không thực sự nổi tiếng về tiềm lực tài chính trên thế giới như HK Nicaragua Development Investment có một nguồn vốn cực lớn để thực hiện cùng lúc nhiều dự án khổng lồ, ví dụ như dự án kinh tế ở Crimea-Nga, nếu không có bàn tay nâng đỡ của chính phủ Trung Quốc.

Đã có nguồn tin cho biết, ngân hàng phát triển Trung Quốc (CDB), được chính phủ Trung Quốc giao nhiệm vụ cho vay đối với các dự án hạ tầng lớn ở trong cũng như ngoài nước, đã cấp cho công ty viễn thông Xinwei của ông Wang 12 tỷ nhân dân tệ (1,95 tỷ USD) trong năm 2011 để mở rộng kinh doanh ở nước ngoài. Và đó chính là “bà đỡ” đằng sau dự án này của công ty Hồng Kông.

Nếu dự án kênh đào Nicaragua hoàn tất, kênh đào Panama sẽ có đối thủ nặng ký

Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega (trái) bắt tay với tỷ phú Trung Quốc Wang Jin trong lễ ký thỏa thuận khung về xây dựng kênh đào hôm 14-6-2013

Trung Quốc muốn hất cẳng Mỹ ở sân sau của mình

Ông Petr Yakovlev - người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Iberia, Viện Mỹ Latinh, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết, đối với Trung Quốc, kênh đào mới có ý nghĩa chiến lược quan trọng, cả về kinh tế, quân sự và địa-chính trị. Nếu thành công, Bắc Kinh có thể cạnh tranh sòng phẳng với Washington ngay tại “sân sau” của Mỹ.

Ông nhấn mạnh: “Con kênh này sẽ giảm chi phí và mở rộng thương mại với các nước cung cấp nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp của Trung Quốc như Venezuela, Brazil, Argentina và Colombia. Khả năng chuyển hướng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc, do nước này sẽ điều hành kênh đào mới”.

Theo chuyên gia Nikolay Mironov, dự án này phục vụ lợi ích kinh tế của hai nước: “Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh đạt 261 tỷ đô la, trong khi kim ngạch thương mại giữa Nhật Bản và Mỹ Latinh là 22 tỷ USD”, thực hiện dự án này sẽ giúp Bắc Kinh tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế với các nước trong khu vực.

Hơn nữa, Trung Quốc rất muốn để đến năm 2016 lượng dầu thô cung cấp từ Venezuela lên đến 1 triệu thùng mỗi ngày. Tuy nhiên, chỉ có các tàu biển chứa lượng dầu ít hơn 80.000 tấn mới có thể đi qua kênh đào Panama. Còn kênh đào Nicaragua thì sẽ có khả năng lưu thông các tàu chở dầu chứa 330 nghìn tấn. Như vậy, Trung Quốc sẽ được lợi rất nhiều.

Sự có mặt mọi nơi của Trung Quốc ở Trung Mỹ đã được khẳng định qua rất nhiều dự án đầu tư. Panama hiện nay là điểm đầu tư chủ lực của Trung Quốc ở khu vực này. Tuy nhiên Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 2,5% lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Panama, thậm chí còn thấp hơn cả Costa Rica và Guatemala.

Ngoài ra, với khoản đầu tư vào kênh đào gấp đôi so với GDP của Nicaragua cùng với các khoản đầu tư nhỏ lẻ khác, sẽ giúp cho các nhà đầu tư Trung Quốc dần dần tiếp cận thị trường “xa lạ” này. Có thể nhận định, Trung Quốc đang từng bước định hình vị thế của mình ở khu vực Trung Mỹ và Caribbean.

Người dân Nicaragua phản đối dự án kênh đào của Trung Quốc

Người dân Nicaragua phản đối dự án kênh đào của Trung Quốc

Mục tiêu chính của Trung Quốc tại Mỹ La-tinh là năng lượng, viễn thông và cơ sở hạ tầng. Ở Costa Rica, Tổng công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc đang dự định xây dựng nhà máy lọc dầu với kinh phí đầu tư lên đến 1,3 tỷ USD. Ở Honduras, công ty Sinohydro (Thủy điện Trung Quốc) muốn xây dựng đập thủy điện với kinh phí 350 triệu USD.

Hiện nay, cả hai dự án này đều đang bị đình chỉ do những phản đối gay gắt của người dân trong khu vực. Tuy nhiên, khả năng dự án tiếp tục được khởi động lại là rất cao. Các nhà đầu tư Trung Quốc còn không ngần ngại đưa ra kế hoạch về một đường sắt nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương với ngân sách 20 triệu USD cũng nhằm cạnh tranh với kênh đào Panama.

Rõ ràng những lợi ích chính trị thông qua những dự án khổng lồ ngay tại sân sau của Mỹ là điều không cần phải bàn cãi. Theo ông Gine - chuyên gia về Trung Quốc ở Học viện ASADE Tây Ban Nha, những dự án này sẽ cho phép Trung Quốc củng cố vị thế địa chính trị của mình trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, chính phủ Panama cho rằng dự án chắc chắn sẽ vấp phải sự “phá hoại” của Mỹ - vốn xây dựng và kiểm soát kênh đào Panama trong vòng 95 năm (xây dựng từ 1904 đến 1914 và trao trả lại cho Cục quản lý kênh đào Panama vào năm 1999). Washington không dễ để yên cho đối thủ Trung Quốc giành giật vị thế của mình ở khu vực này. 

Ngoại trưởng Panama Fernando Nunez Fabrega cho rằng: "Tôi không nghĩ là người Mỹ sẽ vui vẻ khi người Trung Quốc có một kênh đào đi qua Trung Mỹ". Còn Ông Roberto Troncoso, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nicaragua, cho rằng, Trung Quốc muốn thực hiện bá quyền ở Trung Mỹ bởi “ai nắm được át chủ bài thương mại thì kẻ đó sẽ thống trị thế giới”.

Dự án này sẽ gia tăng sự hiện diện của Trung Quốc ở Nicaragua và chính thức đưa các công ty của Bắc Kinh cạnh tranh ngang hàng với các công ty của Mỹ hay Canada trong khu vực châu Mỹ Latinh. Có thể nói, việc xây dựng thành công con kênh này sẽ giúp Trung Quốc khẳng định ‘sức mạnh toàn cầu’ của mình.

Theo Thiên Nam
Đất Việt
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm