1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

JP Morgan: Chứng khoán Đông Nam Á sẽ tăng mạnh vào cuối năm sau

Theo các nhà phân tích của JPMorgan, năm 2023, các thị trường chứng khoán ở Đông Nam Á sẽ diễn biến tương tự như "cú nhảy bungee", tức lao dốc trước khi tăng mạnh vào nửa cuối năm.

Trong báo cáo mới đây, các nhà phân tích của JPMorgan do Rajiv Batra dẫn đầu cho rằng, thị trường có thể sẽ diễn biến theo kiểu "giảm mạnh, sau đó phục hồi nhanh chóng, rồi lại giảm mạnh cho đến khi chạm đáy". Họ cho rằng, nguyên nhân là do sức mua trên thị trường yếu trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt, tiết kiệm thấp trong khi chi phí vay tăng cao.

JPMorgan dự báo chỉ số MSCI ASEAN sẽ kiểm định lại mức thấp của năm nay và thậm chí có khả năng xuống thấp hơn trong nửa đầu năm 2023 do nhu cầu bên ngoài suy yếu, các điều kiện tài chính ngày càng thắt chặt cùng các nhân tố khác.

Chỉ số MSCI ASEAN đã giảm 22% từ mức cao trong tháng 2 xuống mức thấp nhất năm vào tháng 10. Chỉ số này đã phục hồi đáng kể 10% nhờ hy vọng Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ xoay trục chính sách.

JP Morgan: Chứng khoán Đông Nam Á sẽ tăng mạnh vào cuối năm sau - 1

Chứng khoán Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng mạnh vào cuối năm sau (Ảnh: Getty).

 MSCI ASEAN là chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động của cổ phiếu lớn và trung bình trên 4 thị trường mới nổi, 1 thị trường phát triển và 1 thị trường cận biên, bao gồm 170 cổ phiếu ở các thị trường Singapore, Indonesia, Malaysia Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Lãi suất của Fed sẽ đạt 5% vào tháng 5/2023 và nền kinh tế Mỹ sẽ suy thoái vào cuối năm. Nhưng, báo cáo của JPMorgan cho rằng, "trái ngược với niềm tin của nhà đầu tư, thị trường chứng khoán sẽ không phản ánh hoàn toàn suy thoái, cho đến khi nó thực sự xảy ra".

Các nền kinh tế định hướng thương mại như Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia sẽ đặc biệt bị ảnh hưởng bởi sự chậm lại của nền kinh tế toàn cầu trong thời gian tới và nhu cầu hàng hóa tiêu dùng yếu hơn.

Hơn nữa, việc nới lỏng các hạn chế chống covid của Trung Quốc khó lòng bù đắp được sự sụt giảm nhu cầu bên ngoài.

Chẳng hạn như nền kinh tế Thái Lan được dự báo sẽ bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm đáng kể trong xuất khẩu, đầu tư tư nhân và sản xuất. Các nhà phân tích của JPMorgan đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của nước này trong năm 2023 từ mức 3,3% xuống 2,7%.

Singapore cũng được dự báo sẽ đối mặt với nhiều điều kiện kinh tế vĩ mô khó khăn hơn. "Chúng tôi cho rằng, nhu cầu bên ngoài suy yếu sẽ tiếp tục làm lĩnh vực sản xuất hàng hóa của Singapore chậm lại, ngay cả khi lĩnh vực dịch vụ hồi phục", báo cáo cho biết.

Đối với Trung Quốc, động lực mở cửa trở lại của nền kinh tế nước này cũng được dự báo sẽ khiêm tốn trong do các điều kiện suy thoái toàn cầu. "Lợi ích của việc mở cửa trở lại của Trung Quốc sẽ bị hạn chế bởi sự suy thoái của các nền kinh tế phát triển", JPMorgan nói với CNBC và cho rằng, các thị trường Đông Nam Á phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và nhu cầu của các nền kinh tế phát triển.

Theo Nhật Linh
Fica.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm