Chứng khoán Mỹ lại đỏ sàn sau báo cáo việc làm của nền kinh tế số 1

Nhật Linh

(Dân trí) - Chứng khoán Mỹ phiên hôm qua tiếp tục giảm mạnh khi báo cáo việc làm tháng 9 của nước này được công bố cho thấy Fed sẽ lại có khả năng tăng lãi suất để chống lạm phát.

Chốt phiên ngày 7/10, chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones giảm 630,15 điểm, tương đương 2,1%, xuống còn 29.296,79 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 2,8% xuống còn 3.639,66 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 3,8% xuống 10.652,41 điểm, thấp hơn 1% so với mức thấp của năm.

Chứng khoán Mỹ lại đỏ sàn sau báo cáo việc làm của nền kinh tế số 1  - 1

Chứng khoán Mỹ đỏ sàn sau báo cáo thất nghiệp khả quan, cho thấy Fed sẽ tiếp tục diều hâu trong vấn đề lãi suất để chống lạm phát (Ảnh: CNBC).

Với diễn biến tích cực hôm đầu tuần, tính chung tuần, chỉ số Dow Jones vẫn tăng 2%. S&P 500 tăng 1,5% trong khi Nasdaq tăng 0,7%. Tuy nhiên, tính từ đầu năm nay, S&P 500 đã giảm 23%.

Báo cáo việc làm của chính phủ Mỹ hôm qua cho biết, trong tháng 9, nền kinh tế Mỹ có thêm 263.000 việc làm, thấp hơn so với ước tính 275.000 việc làm của Dow Jones. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp lại giảm xuống còn 3,5% so với mức 3,7% trong tháng trước. Điều này cho thấy bức tranh việc làm tiếp tục mạnh lên ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cố gắng làm nền kinh tế tăng chậm lại bằng cách tăng lãi suất để chống lại lạm phát.

"Mặc dù dữ liệu việc làm đúng như dự đoán nhưng việc tỷ lệ thất nghiệp giảm lại là nỗi ám ảnh của thị trường, bởi điều đó có ý nghĩa với Fed", ông Peter Boockvar, giám đốc đầu tư tại Bleakley Financial nói và cho rằng Fed sẽ lại tiếp tục mạnh tay với lãi suất.

Tỷ lệ thất nghiệp giảm làm lãi suất tăng, điều đó lại gây bất lợi cho cổ phiếu. Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm đã tăng thêm 6 điểm cơ bản lên 4,316% ( 1 điểm cơ bản bằng 0,01%).

Christopher Harvey, một nhà phân tích cổ phiếu tại Wells Fargo, cho biết: "Kết luận rút ra sau nhiều cuộc trao đổi là không chỉ Fed sẽ không hỗ trợ thị trường mà họ sẽ tiếp tục kiên định lập trường ổn định giá cả cho đến khi mọi thứ trên thị trường vốn bị phá vỡ".

Khi thị trường sụt giảm nghiêm trọng kéo dài, nhà đầu tư đang đứng trước sự lựa chọn khó khăn: tiếp tục giữ cổ phiếu với hy vọng sẽ có sự hồi phục hay tránh xa chúng cho đến khi mọi thứ tốt hơn.

John Lynch, giám đốc đầu tư của Comerica Wealth Management, cho rằng các thông tin tiêu cực đã phản ánh hết vào giá, bao gồm cả lo ngại suy thoái. Quỹ của ông đang duy trì phân bổ tiêu chuẩn đối với cổ phiếu nói chung trong danh mục.

"Mức tăng 12-18 tháng kể từ bây giờ vẫn tốt hơn so với mức giảm 3-6 tháng", ông nói.

Các nhà đầu tư cũng đang xem xét báo cáo chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ dự kiến công bố vào tuần tới rằng liệu với mức tăng 300 điểm cơ bản vừa qua của Fed có làm giảm lạm phát hay không. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy giá vẫn ở mức cao, có khả năng đè nặng lên thị trường làm cổ phiếu giảm thêm.

Các chiến lược gia của Morgan Stanley cũng dự báo thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục đi xuống do đồng USD mạnh lên và thị trường châu Âu suy yếu.

Theo CNBC, Reuters