1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

iMoney: Lưu ý gì khi vay tiêu dùng dưới chuẩn?

Mỹ Tâm
iMoney

(Dân trí) - Cần vay vốn gấp để kinh doanh, tiêu dùng nhưng dưới chuẩn ngân hàng, không ít người phải tìm kiếm nguồn vay khác tại các công ty tài chính.

Muốn vay tiền từ ngân hàng, người vay phải đáp ứng chuẩn. Khảo sát mới đây của Dân trí với gần 2.000 độc giả cho thấy hơn 86% số này cho biết gặp khó khăn trong vay vốn mà nguyên nhân đến từ phía ngân hàng. 

Đặc biệt, giai đoạn dịch Covid-19, một bộ phận không nhỏ người dân cần tiền để giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt, đáp ứng các nhu cầu cần thiết, ổn định và vực dậy cuộc sống trở lại. Tại các công ty tài chính, thủ tục vay vốn được cho là dễ hơn ở ngân hàng. Một số công ty tài chính thậm chí tạo điều kiện hết mức cho người vay bằng cách đưa ra thủ tục đơn giản, thuận tiện.

Tuy nhiên, khi vay vốn tại các đơn vị này, giới thạo tài chính cho rằng có nhiều điểm cần lưu ý khi vay vốn tại những đơn vị này.

Kiểm tra ngân sách trước khi vay

Để tránh rơi vào cảnh kiệt quệ tài chính, các chuyên gia khuyên người tiêu dùng nên kiểm tra kỹ ngân sách, tổng thu nhập mỗi tháng trước khi vay. Việc trả nợ chỉ nên chiếm nhiều nhất 30-40% tổng thu nhập trong tháng. Nếu không, người vay dễ rơi vào cảnh đi vay nợ mới để trả nợ cũ. Thực tế, không nhiều người thực sự tính toán kỹ khả năng thanh toán trước khi vay để mua trả góp.

Đơn cử, với người có thu nhập chỉ 8-10 triệu đồng/tháng nhưng lại có nhu cầu mua ô tô, dùng smartphone cao cấp... thì người vay sẽ mất thời gian dài để có thể trả được khoản vay này. 

iMoney: Lưu ý gì khi vay tiêu dùng dưới chuẩn? - 1

Do cần tiền, không đọc kỹ hợp đồng... không ít người đi vay không bận tâm tới lãi suất cao và cách tính phí của một số công ty tài chính (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Luôn nắm rõ lãi suất vay

Thủ tục vay vốn tại công ty tài chính thường đơn giản hơn so với ngân hàng. Người vay đôi khi chỉ cần ngồi tại nhà cung cấp các giấy tờ như chứng minh nhân dân hoặc bằng lái xe... là đã có thể vay được vốn. 

Không ít khách hàng thường chỉ mong vay được tiền càng nhanh càng tốt mà không để tâm, đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng.

Các công ty tài chính có nhiều cách tính khác nhau để tính lãi suất:

- Một là lãi suất trên số dư nợ giảm dần được tính trên số tiền thực tế mà người vay đang còn nợ. Ưu điểm của cách tính này là người vay sẽ có lợi hơn rất nhiều khi thỏa thuận các công ty tài chính vì số tiền thực tế đã được trừ đi số tiền gốc mà bạn đã chi trả trong các kỳ nộp lãi trước đó.

- Hai là lãi suất trên phần dư nợ gốc được tính trên tổng số tiền mà người vay vay lúc đầu, lãi này được tính trong suốt thời hạn vay.

- Ngoài ra, người vay cũng cần lưu ý lãi suất thả nổi - phụ thuộc vào thị trường hay theo từng thời kỳ khác nhau mà có mức lãi suất khác nhau. Hình thức này người vay sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào lãi suất trên thị trường, nếu lãi suất thị trường hạ thấp người vay sẽ được lợi và ngược lại.

Đôi khi, tùy khách hàng, nhân viên công ty tài chính sẽ cân nhắc cung cấp đến đâu các điều khoản trong hợp đồng. Nhiều trường hợp khách hàng phản ánh nhân viên tư vấn lãi suất một đằng nhưng số tiền phải trả lại một nẻo, cao hơn rất nhiều. Điều này dẫn đến việc sau khi giải ngân xong, khách hàng mới nhận bản hợp đồng chi tiết và tá hỏa vì lãi suất tới hơn 60-70%/năm.

Theo các chuyên gia tài chính, đơn vị nào chấp nhận rủi ro càng lớn khi đưa ra ít điều kiện, chuẩn tín dụng thì mức lãi suất tương ứng sẽ càng cao. Để bảo đảm quyền lợi, người vay tiền có quyền đòi hỏi công ty đó minh bạch mức lãi suất để thỏa thuận trước khi ký hợp đồng.

iMoney: Lưu ý gì khi vay tiêu dùng dưới chuẩn? - 2

Thủ tục vay vốn tại công ty tài chính thường đơn giản hơn rất nhiều so với ngân hàng (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Hỏi kỹ về các chi phí phát sinh

Thực tế, không riêng các công ty tài chính, nhiều ngân hàng cũng tính gộp luôn các chi phí phát sinh và trừ thẳng trước khi giải ngân cho khách. Các chi phí này có thể là tiền bảo hiểm hoặc mua các gói dịch vụ của các công ty tài chính.

Hiện xảy ra không ít tình trạng nhân viên công ty tài chính "lập lờ" trước những khoản chi phí phát sinh, dẫn đến tình trạng khách hàng vay xong, ký hợp đồng xong mới phát hiện ra. Điểm này theo phân tích của các chuyên gia tài chính là sai sót đến từ bên cho vay. Tuy nhiên, bản thân người vay cũng phải có trách nhiệm tìm hiểu kỹ mọi điều khoản trên hợp đồng để tự bảo vệ mình.

Chỉ vay khi không còn lựa chọn khác, cân nhắc kỹ các đơn vị

Nếu nắm và tuân thủ nguyên tắc này, chắc chắn sẽ tránh được những rủi ro tiềm tàng khi vay tiền ở các công ty tài chính - nơi thường có mức lãi suất cao. Theo các chuyên gia, người đi vay cần kiềm chế bản thân trước các cuộc gọi mời chào vay tín chấp của những tư vấn viên. Nếu không thực sự cần kíp và không còn phương án nào thì hẵng tìm đến họ.

Bên cạnh đó, bạn chỉ nên vay những khoản tiền nhỏ và để tiêu dùng, mua sắm (thay vì để trả nợ và sử dụng cho các mục đích khác). Nếu dư nợ không cao, từ 10-20 triệu đồng, việc trả nợ sẽ dễ thở và không trở thành gánh nặng hàng tháng.

Quan trọng nhất, khi cần tiền, cần xoay xở các mối quan hệ thân thiết trước tiên, sau đó mới lưu ý đến các công ty tài chính. Trước khi lựa chọn, người vay cũng phải tìm hiểu kỹ các đơn vị cho vay trên thị trường, tham gia hội nhóm trao đổi, giao lưu trên mạng xã hội, diễn đàn, kiểm tra kỹ tư vấn từ phía đơn vị cho vay… để tham khảo, nhận tư vấn từ những người đi trước trước khi đặt bút ký vào hợp đồng.