1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

iMoney: Bất ngờ với khoản chi đáng giá nhất một năm qua của người trẻ

Thảo Thu

(Dân trí) - Giới trẻ một năm qua chi tiêu cả trăm triệu đến cả tỷ đồng. Nhiều khoản nằm trong dự tính, nhiều khoản bất ngờ phát sinh.

Sắp hết năm 2022 là lúc không ít người nhìn lại những khoản chi tiêu của mình. Dân trí trò chuyện cùng các bạn trẻ để nghe câu chuyện chi tiêu "đáng đồng tiền bát gạo" của từng người trong năm qua. Liệu những quyết định này có nằm trong kế hoạch ban đầu hay bất ngờ phát sinh? Những người trẻ có hối hận sau khi "bạo chi"?

Giới trẻ nói về khoản chi lớn nhất năm qua (Video: Hải Phương).

Minh Uyên (25 tuổi, Hà Lan): Bỏ gần 1 tỷ đồng đi du học

Khoản chi đáng giá nhất năm nay của tôi là cho việc đi du học vào tháng 8. Để có thể đi du học, tôi đã chuẩn bị trước 2 năm khi còn ở Việt Nam, từ thời điểm vẫn còn dịch Covid-19.

Vì bản thân vẫn còn trẻ nên một mình tôi không thể trang trải hết chi phí, ngoài 300 triệu tự tích góp, tôi có thêm sự trợ giúp của gia đình. Tổng các chi phí (tiền học, sinh hoạt, đi lại, hồ sơ)... rơi vào gần 1 tỷ đồng.

Nhìn lại các khoản đó, tuy lớn nhưng đều là các khoản cố định và khó có thể giảm đi. Tôi không hối hận vì quyết định bỏ ra số tiền lớn đi du học, nhưng nếu được quay lại những năm trước đó, tôi mong mình sống tiết kiệm hơn để giảm bớt sự trợ giúp từ gia đình.

iMoney: Bất ngờ với khoản chi đáng giá nhất một năm qua của người trẻ - 1

Minh Uyên chi gần 1 tỷ đồng trong năm 2022 để thực hiện giấc mơ du học (Ảnh: NVCC).

Chi là phần mất đi, nhưng thứ tôi lại nhận nhiều hơn. Đó là trải nghiệm tuổi trẻ và học tập ở nước ngoài, cũng là ước mơ kể từ những năm trung học. Dù gặp nhiều khó khăn để tự xoay sở ở một vùng đất mới, song tôi chắc chắn khoản chi đó xứng đáng. 

Tôi cũng nghĩ đến việc kiếm lại số tiền mình đã chi bằng cách đi làm trong thời gian ở đây. Tuy vậy, học tập luôn là mục tiêu ưu tiên. Sau khi tốt nghiệp, tôi mới tính tới việc kiếm lại tiền. Tôi tin sẽ không thiếu cơ hội tốt nếu có lộ trình cụ thể.

Thu Thảo (23 tuổi, Bắc Ninh): 150 triệu đồng cho chứng khoán

Tốt nghiệp Đại học, tôi đi làm và năm đầu tiên để dư ra được tổng gần 300 triệu đồng.

Khoản chi lớn nhất năm qua của tôi là 100 triệu đồng cho chứng khoán hồi tháng 2, với hy vọng sẽ lãi 30% sau khi hết năm. Tuy nhiên, chỉ còn một tháng nữa là kết thúc năm 2022, tài khoản của tôi vẫn trong trạng thái "bốc hơi" 50%, chưa biết khi nào mới trở lại số vốn ban đầu. 

iMoney: Bất ngờ với khoản chi đáng giá nhất một năm qua của người trẻ - 2

Danh mục chứng khoán của Thu Thảo (Ảnh: NVCC).

Quyết định rót tiền vào chứng khoán không nằm trong kế hoạch năm nay. Trước đó, tôi chưa từng "chơi" chứng khoán. Nguyên nhân do công việc phải tìm hiểu về mảng tài chính thôi thúc tôi học và thử đầu tư.

Hiện tôi đã chuẩn bị sẵn 50 triệu đồng để trong tháng tới sẽ trung bình giá một số danh mục cổ phiếu tôi cho là có tiềm năng tăng giá năm 2023. Như vậy, khoản chi cho chứng khoán lên tới 150 triệu đồng trong năm 2022. 

Thay vì tiếp tục chi mạnh năm 2023, hiện tôi đã chuyển sang tích lũy với 2 tài khoản tiết kiệm ngân hàng, dù lãi suất không quá cao nhưng cho tôi cảm giác an toàn. Tôi hy vọng năm tới, bên cạnh lấy lại số tiền đã mất, sẽ kiếm được nhiều tiền để rót thêm vào các kênh đầu tư khác. 

Bảo Linh (25 tuổi, Hà Nội): 400 triệu đồng mở quán cà phê 

Khoản chi lớn nhất năm qua của tôi là cho việc mở quán cà phê vào tháng 11 vừa rồi. Ngoài tiền bản thân tích lũy, tôi có thêm 100 triệu đồng từ bạn bè góp vốn để khởi nghiệp. 

Tổng khoản chi mở quán cà phê rơi vào khoảng 300 triệu đồng (gồm chi phí thuê mặt bằng một năm, mua bàn ghế, đồ làm thức uống, đèn quán, sửa chữa đường ống nước, điện, nhân sự...). 

Đây là khoản chi nằm trong dự tính. Ngay từ khi mở quán, tôi đã tính đến những khoản này, xem mình đang có bao nhiêu và sẽ tiêu tốn bao nhiêu.

iMoney: Bất ngờ với khoản chi đáng giá nhất một năm qua của người trẻ - 3

Khoản chi đáng giá nhất năm qua của Bảo Linh dành cho việc mở quán cafe (Ảnh: NVCC).

Tôi không hy vọng có thể thu lại ngay số tiền trong vài tháng đầu vận hành quán. Trong dự tính ban đầu, khoảng 3 năm sẽ thu về tổng lợi nhuận đủ bằng phần vốn bỏ ra, từ năm 4 sẽ bắt đầu có lợi nhuận đều đặn mà không phải âm vào vốn ban đầu.

Tuy nhiên, tôi vẫn có dự phòng 100 triệu đồng, phòng trường hợp đi vào kinh doanh mà quán chưa có lượng khách và đơn hàng quen để có thể thu lại doanh thu ổn định trang trải chi phí vận hành. Tôi chỉ cho phép bản thân lỗ tối đa 6 tháng, tính từ khi mở quán.

Dù là số tiền lớn và xuyên suốt quá trình làm quán, cũng có những cấu phần chi phí lẽ ra có thể tiết giảm hơn. Tuy nhiên, với tôi, đây là khoản đầu tư xứng đáng năm 2022 cho hành trình mới bắt đầu. Chưa kể, lần đầu khởi nghiệp, tôi đã chuẩn bị kỹ và không phải dùng đòn bẩy tài chính. Ngoài ra, bên cạnh kinh doanh, tôi vẫn làm công việc truyền thông và có thu nhập đều đặn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm