IMF thay đổi quan điểm về kiểm soát vốn

(Dân trí) - Vài tuần qua tại trụ sở của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF đã chứng kiến những cú “quay đầu” thật ngoạn mục về mặt tư tưởng.

IMF thay đổi quan điểm về kiểm soát vốn - 1
Thời cuộc buộc lãnh đạo IMF thay đổi tư duy quản lý (ảnh minh họa).
 
Đầu tháng này kinh tế trưởng của IMF, ông Olivier Blanchard, đã đặt câu hỏi đối với chính sách kinh tế vĩ mô hiện đại tập trung giữ tỷ lệ lạm phát thấp với lập luận rằng các ngân hàng trung ương nên nhắm tới tỷ lệ lạm phát 4% thay vì mục tiêu 2% như hiện nay.

Nghiên cứu của một nhóm các nhà kinh tế tại IMF cho thấy quỹ này đã thay đổi quan điểm của mình đối với các hình thức hạn chế luồng vốn chảy vào của những nước mới nổi. Nghiên cứu trên đưa ra kết luận rằng đôi khi việc kiểm soát được “coi là một phần của các công cụ chính sách”.

IMF từ lâu đã phản đối việc kiểm soát luồng vốn, thậm chí năm 1997 còn cố thay đổi hiến chương để có thể công khai ủng hộ việc tự do hóa tài khoản vốn.

Nghiên cứu mới đây cung cấp một số bằng chứng rõ ràng hơn về tính hiệu quả của sự kiểm soát luồng vốn chảy vào. Các tác giả thấy trong cuộc khủng hoảng tài chính, GDP tại các quốc gia có chính sách kiểm soát luồng vốn chảy vào giảm nhẹ hơn.

Các nước nhận nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực tài chính cũng vậy. Không giống các loại FDI khác, luồng vốn này làm tăng tổng nợ vì chúng bao gồm số vốn ngân hàng mẹ cho các chi nhánh tại địa phương vay.

Các nhà kinh tế tại IMF viết: “Việc kiểm soát luồng vốn đi kèm với việc tránh được những hậu quả tồi tệ nhất đối với tăng trưởng”.

Một lý do để luồng vốn đổ vào các thị trường mới nổi mà theo Viện Tài chính quốc tế sẽ tăng từ 435,2 tỷ USD năm 2009 lên 721,6 tỷ USD trong năm nay là chênh lệch lãi suất với các nước giàu. Nhưng nền kinh tế một số nước có nguy cơ trở nên quá nóng nếu họ mạnh tay cắt giảm lãi suất thêm.

Việc IMF cân nhắc lại vấn đề kiểm soát luồng vốn cho thấy quỹ này đang cố thích ứng với tình hình kinh tế toàn cầu, một điều thật đáng hoan nghênh. Nhưng nghiên cứu chưa chỉ ra được một hệ thống hiệu quả và không bị bóp méo sẽ hoạt động thế nào.

IMF đã nhìn nhận việc kiểm soát luồng vốn với con mắt ôn hòa hơn, có lẽ quỹ này có thể giúp các nước xây dựng một hệ thống kiểm soát thông minh hơn.

Minh Tuấn
Theo Economist