Hyundai Thành Công kiến nghị linh hoạt trong cách tính ưu đãi thuế nhập linh kiện
(Dân trí) - Công ty Hyundai Thành Công (TCMotor) vừa gửi kiến nghị Chính phủ linh hoạt trong cách tính ưu đãi để hưởng thuế nhập linh kiện 0% để lắp ráp xe trong nước, đặc biệt đối với xe tải, xe khách và xe bus. Doanh nghiệp này cho rằng, việc linh hoạt trong các quy định là biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển.
Theo Tập đoàn Thành Công, những năm gần đây xe tải, xe khách và xe bus liên tục sụt giảm doanh số, trung bình từ 15-25%/năm. Số lượng xe cũ lưu hành cao cũng như việc hạn chế các dự án đầu tư mới và sự cạnh tranh từ các loại hình vận tải khác như hàng không là một trong số nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm đáng kể này.
Với việc Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu, rộng với nhiều quốc gia, lãnh thổ trên thế giới, sức cạnh tranh của sản phẩm nhập khẩu ngày càng gia tăng, áp lực lên ngành sản xuất ô tô trong nước là vấn đề đáng quan ngại .
Ví như, các điều kiện, tiêu chuẩn theo Nghị định 116/2017/NĐ-CP đã không còn tạo ra những rào cản, khó khăn đối với xe nhập. Nếu không có chính sách bảo hộ phù hợp đối với sản phẩm này, sẽ khó để ngành ô tô có thể phát triển bền vững.
Theo đại diện Tập đoàn Thành Công, do tính đặc thù các nhà sản xuất ô tô trong nước đều phải đầu tư phát triển song song cả sản phẩm xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi và các sản phẩm xe tải, xe khách, xe bus nhằm đưa Việt Nam phát triển theo đúng định hướng chiếc lược của Chính phủ.
Để làm được điều này, đỏi hỏi vốn đầu tư rất lớn, liên tục nỗ lực đảm bảo đầu ra đều đặn cho tất cả các nhóm sản phẩm nhằm đáp ứng đúng về sản lượng đã nêu tại Nghị định 125/2017/NĐ-CP trong khi tiêu thụ xe tải, xe khách và xe bus biến động lên tục, bất ổn.
Điều này dẫn tới một số nhóm sản phẩm có thể đạt được sản lượng riêng tối thiểu theo đúng cam kết tại quy định để được hưởng ưu đãi trong khi sản lượng tiêu thụ thấp, dẫn đến tồn kho số lượng lớn trong thời gian dài.
Theo Thành Công, điều này phát sinh chi phí tài chính, chi phí quản lý làm cho hiệu quả của chương trình ưu đãi giảm đi rất nhiều, đặc biệt là đối với nhóm sản phẩm xe khách, xe tải, xe bus.
Từ thực trạng trên, Thành Công kiến nghị cần có giải pháp bổ sung vào Nghị định 125/2017/NĐ-CP để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước tiếp tục duy trì sản xuất ổn định, đa dạng các nhóm sản phẩm, đảm bảo tiếp tục bám sát định hướng, chiến lược mà Chính phủ đề ra.
Thành Công kiến nghị giải pháp hỗ trợ nhóm sản phẩm xe tải, xe khách, xe bus cụ thể như doanh nghiệp sản xuất ô tô sản xuất từ 2 nhóm sản phẩm trở lên cam kết theo yêu cầu của Nghị định 125 thì Chính phủ cho phép doanh nghiệp được cộng gộp sản lượng chung của nhóm xe cam kết.
“Nếu tổng sản lượng cộng gộp tương đương hoặc lớn hơn tổng sản lượng chung tối thiểu theo yêu cầu của các nhóm xe cam kết thì doanh nghiệp được áp dụng thuế suất thuế nhập linh kiện 0% để lắp ráp các xe thuộc các nhóm xe doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình ưu đãi”, văn bản kiến nghị của Thành Công nêu.
Tại Nghị định 125/2017/NĐ-CP quy định rõ tỷ lệ cam kết sản lượng sản xuất chung và riêng tối thiểu của doanh nghiệp để được hưởng thuế nhập linh kiện 0%.
Theo đó, từ năm 2018, doanh nghiệp phải đáp ứng sản lượng chung tối thiểu cho mẫu xe riêng lẻ là từ 3.000 chiếc, 2019 là 3.500 chiếc, 2020 là 4.000 chiếc, 2021 là 4.500 chiếc và 2022 là 5.000 chiếc.
Sản lượng chung tối thiểu của cho doanh nghiệp được hưởng thuế suất nhập linh kiện 0% phải đáp ứng trong năm 2018 là 8.000 chiếc, 2019 là 8.500 chiếc, 2020 là 10.000 chiếc, 2021 là 11.500 chiếc và 2022 là 13.500 chiếc.
Doanh nghiệp chỉ có thể được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện 0% khi và chỉ khi đạt được sản lượng chung và riêng tối thiểu theo đúng yêu cầu nói trên.
Nguyễn Tuyền