Mở "toang" cửa hội nhập, xe Việt có đủ sức "đấu" với đối thủ lớn?
(Dân trí) - Việt Nam đã, đang và sẽ tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do - nơi thuế nhập xe cắt giảm mạnh theo lộ trình. Trước viễn cảnh ấy, doanh nghiệp xe Việt liệu có biến thách thức thành động lực, biến cơ hội thành thành quả hay không?
Việt Nam mở “toang” cửa với thế giới
Có khoảng 19 hiệp định thương mại tự do song và đa phương thế hệ mới (FTAs) đã và đang được Việt Nam đàm phán, hoàn tất, phê chuẩn có hiệu lực. 2 năm trước (2018), Việt Nam chính thức xoá bỏ thuế quan xe hơi nhập khẩu từ các nước ASEAN, lượng xe nhập khẩu tăng mạnh từ các thị trường Thái Lan, Indonesia.
Lượng xe nhập Thái Lan, Indonesia tăng mạnh đã khiến xe lắp ráp trong nước kém cạnh tranh, thậm chí nhiều hãng xe lâm cảnh giảm sút doanh số, thua thiệt thậm chí báo lỗ doanh thu.
Sức ép cạnh tranh đã và đang khiến các doanh nghiệp trong nước, các mẫu xe trước kia từng là niềm tự hào doanh số của doanh nghiệp nhưng giờ bị cạnh tranh quyết liệt, thua thiệt trên thị trường, đơn cử là Innova của Toyota đã bị đối thủ Xpander của Mitsubishi vượt mặt.
Trong năm 2020, nhiều khả năng Việt Nam chính thức tham gia sân chơi thương mại tự do với đối tác lớn nhất từ trước đến nay là EU, với 28 đối tác lớn, hầu hết là các nền sản xuất công nghiệp, xe hơi hàng đầu như Đức, Pháp, Thuỵ Điển…
Đặc biệt, bên cạnh EVFTA, Việt Nam và EU còn ký kết với nhau Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA), với hai hiệp định này, các doanh nghiệp Việt - EU đầy đủ cơ hội, điều kiện để hợp tác trao đổi công nghệ, chuyển giao máy móc với nhau. Đây là cơ hội đối với doanh nghiệp Việt tiếp cận với các công nghệ nguồn, bản quyền sở hữu trí tuệ - cái mà doanh nghiệp, nhà đầu tư châu Âu chỉ bán cho đối tác lớn, bạn hàng đặc biệt.
Từ năm 2020, Việt Nam cũng sẽ xoá bỏ nhiều cơ chế thuế qua trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương với nhiều đối tác lớn như Nhật Bản, Úc, Canada, New Zealand và các nước có trình độ cao trong ASEAN như Singapore và Malaysia, Brunei…
Với cơ chế đặc biệt, việc giảm thuế khẩu hàng hoá, trong đó có xe ô tô từ Nhật Bản được cho là sẽ giúp thị trường xe Việt thêm nhiều chủng loại hơn. Bên cạnh đó, cơ hội hợp tác 3 bên giữa doanh nghiệp Việt, đối tác từ ASEAN và một đối tác khác như Nhật, Canada, Úc sẽ giúp khai thác một thị trường khác tốt hơn, có lợi hơn.
Kể từ năm 2020, Việt Nam, các nước ASEAN, 3 nước Đông Bắc Á và các nước Ấn Độ, Úc, New Zealand sẽ cùng nhau hoàn tất và có thể đi đến ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Dự kiến, nhiều khả năng RCEP sẽ được đưa ra bàn thảo, ký kết tại Việt Nam năm 2020 khi Việt Nam giữ chức vụ Chủ tịch ASEAN và hội nghị được tổ chức tại Hà Nội.
Nếu RCEP được thông qua, Việt Nam sẽ thêm một FTAs lớn nữa và lộ trình cắt bỏ thuế quan có thể sẽ diễn ra sau 8 đến 10 năm giống như cơ chế của EVFTA giữa Việt Nam và EU.
Trong thách thức có cơ hội
Việt Nam mở cửa, đối với thị trường và người tiêu dùng là tín hiệu vui, tích cực; đối với doanh nghiệp xe trong nước, đây vừa là thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội cho doanh nghiệp xe lấy cạnh tranh là động lực cho sự phát triển.
Theo nhiều chuyên gia, doanh nghiệp kinh doanh xe hơi, các doanh nghiệp xe đã và đang có trụ sở, cơ sở kinh doanh tại Việt Nam có lợi thế về thân thuộc thị trường, cơ sở bán hàng, bảo dưỡng. Bên cạnh đó, các thương hiệu xe lớn trên thế giới đều đã đang được liên doanh, hãng xe trong nước lắp ráp hoặc bán thương hiệu kinh doanh.
Chính vì vậy, để xe Nhật, Đức, Thuỵ Điển hoàn toàn mới nhập vào Việt Nam và cạnh tranh sòng phẳng với xe trong nước hoặc xe từ khu vực ASEAN như Thái Lan, Indonesia ở Việt Nam là rất khó khăn, thậm chí mất nhiều thời gian, tiền bạc để xây dựng hệ thống bán hàng.
Bài học lớn của Renault, thương hiệu xe hàng đầu của Pháp cũng như của châu Âu nhưng chỉ vào Việt Nam được vài năm cũng phải rút chân khỏi thị trường vì quá lạ lẫm về thương hiệu, giá xe cao và đặc biệt độ phủ thị trường không thể bằng các hãng xe tên tuổi đã gắn bó lâu đời.
Tuy nhiên, mở cửa hợp tác cũng là cơ hội cho các hãng xe, doanh nghiệp xe Việt khi tranh thủ công nghệ, kỹ thuật và kinh nghiệm của các nước tiên tiến. Trung Quốc sau thời gian mở cửa, ký hàng loạt hiệp định thương mại tự do song và đa phương với các đối tác lớn đã thu hút được rất nhiều hãng xe đầu tư như Audi, Volvo, Volkswagen cùng đó sự liên doanh của hàng loạt xe nội Trung Quốc với các hãng xe toàn cầu để đưa ra thị trường các mẫu xe mới như Baic, Zotye, Geely…
Bối cảnh hãng xe hơi các nước phát triển tăng cường sự hiện diện ở Việt Nam, nơi thị trường gần 100 triệu dân, tỷ lệ xe ô tô/người thấp nhất khu vực, điều này đặt ra lợi thế hợp tác cùng chia sẻ thị trường hoặc mua bản quyền sáng chế, công nghệ, thiết kế.
Bài học về sự hợp tác mua công nghệ, thiết kế của VinFast từ các hãng xe Ý, Đức đã minh chứng cho sự hợp tác này. Trong thập kỷ tới, sự hợp tác này sẽ đảm bảo sự thành công cho cả hai bên: doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp ngoại với triết lý “win” - “win”.
Nguyễn Tuyền