Hụt thu 63.000 tỷ đồng vì giá dầu sụt giảm
(Dân trí) - Bối cảnh giá dầu thế giới sụt giảm sâu đã dẫn đến số hụt thu từ dầu thô và các khoản thu khác do giảm giá dầu là 63.000 tỷ đồng, trong đó thu từ dầu thô hụt khoảng 32.000 tỷ đồng.
Ngân sách trung ương hụt thu hơn 31.300 tỷ đồng
Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đánh giá, trong năm nay, thu từ dầu và khí đều hụt lớn so với dự toán.
Trong bối cảnh giá dầu thế giới sụt giảm sâu (ước cả năm chỉ đạt 56,7 USD/thùng, giảm trên 43 USD/thùng so với giá tính dự toán), dẫn đến số hụt thu từ dầu thô và các khoản thu khác do giảm giá dầu là 63.000 tỷ đồng, trong đó thu từ dầu thô hụt khoảng 32.000 tỷ đồng, thu nội địa giảm khoảng 12.000 tỷ đồng do giảm thu từ hoạt động khai thác khí, thu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất..., thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm khoảng 19.000 tỷ đồng do trị giá tính thuế xuất khẩu dầu thô, thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng, dầu giảm. “Đây là mức hụt thu lớn, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách trung ương” – ông Hiển nhận định.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cho biết, Ủy ban nhất trí với Chính phủ dự kiến giá dầu thanh toán bình quân 3 tháng cuối năm chỉ ở mức 50 USD/thùng, nhưng đề nghị Chính phủ chỉ đạo theo dõi sát diễn biến của giá dầu để có đối sách phù hợp nhằm phát triển kinh tế trong nước bù hụt thu, tận dụng việc giảm giá dầu thành cơ hội để phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.
Ngoài ra, trước Quốc hội, Ủy ban cũng ghi nhận, trong năm nay, công tác quản lý và thu thuế có nhiều tiến bộ, thủ tục hành chính đã được đổi mới, cải cách toàn diện và đồng bộ hơn, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm đã được thực hiện tích cực. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ đọng thuế vẫn còn cao, tình trạng trốn thuế vẫn diễn ra phức tạp. Nếu có các giải pháp tích cực, quyết liệt hơn thì kết quả thu NSNN năm 2015 có thể sẽ cao hơn dự kiến.
Mặc dù, Chính phủ cho biết tổng thu NSNN năm 2015 ước vượt dự toán 16.400 tỷ đồng, nhưng tăng thu chủ yếu của ngân sách địa phương (khoảng 47.700 tỷ đồng), còn ngân sách trung ương hụt thu 31.300 tỷ đồng, điều này dẫn đến khó khăn trong cân đối NSNN. Do vậy, Ủy ban yêu cầu Chính phủ cần tính toán các giải pháp để bù hụt thu, đảm bảo cân đối NSNN.
Sức ép tăng chi NSNN ngày càng lớn
Tại phiên họp chiều 20/10, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng đã trình bội chi NSNN trong phạm vi dự toán được Quốc hội quyết định là 226.000 tỷ đồng, bằng 5%GDP. Theo đó, mức dư nợ công đến hết năm 2015 khoảng 61,3%GDP, trong giới hạn an toàn cho phép (65%GDP).
Tuy nhiên, về mục tiêu này, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, thực tế, sẽ khó giữ mức bội chi NSNN nêu trên vì theo báo cáo của Chính phủ, mức giải ngân vốn ODA trong năm 2015 sẽ vượt khoảng 30.000 tỷ đồng so với dự toán đã được Quốc hội quyết định. Bên cạnh đó, một số khoản đã chi mà chưa có nguồn bù đắp như nợ cấp bù chênh lệch lãi suất đối với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam…
Mặt khác, nợ công, cùng với vấn đề vay và trả nợ đã trở nên khó khăn hơn, áp lực trả nợ và vay đảo nợ trong ngắn hạn ngày một lớn.
Chính phủ dự kiến tổng thu cân đối NSNN năm 2016 là 1.014.500 tỷ đồng, tăng 9,4% so với ước thực hiện năm 2015. Nếu không tính 30.000 tỷ đồng thu từ tiền bán bớt phần vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp thì tổng thu NSNN tăng 6,1%. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, năm 2016 vẫn đứng trước sức ép tăng chi NSNN ngày càng lớn: tốc độ tăng thu NSNN ở mức 9,4%, tốc độ tăng chi 11%. Riêng chi đầu tư phát triển tăng 31,2%, chi thường xuyên tăng 5,8% cho thấy việc cân đối NSNN đã rất căng thẳng. Trong khi đó NSNN còn nợ nhiều khoản chi chưa có nguồn thanh toán: Nợ xây dựng cơ bản còn lớn; nợ hai ngân hàng chính sách; nợ các chính sách đã ban hành…
Bích Diệp