“Hưởng lộc”, đại gia Nam Định sắp nhận về cả trăm tỷ đồng tiền mặt

Mai Chi

(Dân trí) - Với tư cách là một trong những cổ đông lớn nhất của Thế giới Di động, đại gia Nguyễn Đức Tài sẽ nhận về gần 100 tỷ đồng tiền cổ tức của doanh nghiệp này.

“Hưởng lộc”, đại gia Nam Định sắp nhận về cả trăm tỷ đồng tiền mặt - 1

Đại gia Nguyễn Đức Tài sẽ là một trong những người nhận cổ tức lớn nhất từ Thế giới Di động

Cổ phiếu Thế giới Di động tăng giá phiên thứ 3

Giữa lúc thị trường chứng khoán đang giao dịch giằng co và chật vật thì cổ phiếu MWG của Thế giới Di động lại đang có phiên tăng thứ 3 liên tiếp.

Cụ thể, MWG sáng nay tăng 1.000 đồng lên 104.500 đồng và đã tăng gần 12% kể từ đầu tháng 9 đến nay.

Diễn biến tăng tại MWG giúp các cổ đông được lợi và trước hết là ông chủ doanh nghiệp này - đại gia Nguyễn Đức Tài.

Hội đồng quản trị Thế giới Di động vừa thông qua nghị quyết chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với tỉ lệ 15% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận 1.500 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng là 20/10 và thời gian dự kiến chi trả vào 30/10.

Với khoảng 453 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến cổ đông MWG sẽ nhận khoảng 680 tỷ đồng cổ tức.

Trong đó, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch MWG đang là cổ đông cá nhân lớn nhất với sở hữu trên 12 triệu cổ phiếu MWG. Ông Tài còn sở hữu trên 51,5 triệu cổ phiếu MWG gián tiếp qua việc sở hữu 100% cổ phần Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư Thế giới Bán lẻ.

Trong đợt chi trả cổ tức này, ông Nguyễn Đức Tài sẽ nhận về khoảng 95,3 tỷ đồng tiền mặt. Được biết, bà Phan Thị Thu Hiền - vợ ông Tài, cũng đang sở hữu 2,45 triệu cổ phiếu MWG và như vậy, bà Hiền cũng nhận được gần 3,7 tỷ đồng.

Một số cộng sự khác của ông Tài như ông Điêu Chính Hải Triều, ông Trần Huy Thanh Tùng cũng sẽ nhận về hàng chục tỷ đồng tiền cổ tức.

HĐQT Thế giới Di động cũng thông qua việc tăng vốn điều lệ thêm 3.000 tỷ đồng cho Công ty Cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh để phục vụ kế hoạch phát triển, mở rộng kinh doanh (thực hiện trong năm 2020). Nguồn vốn tăng thêm được trích từ nguồn vốn tự có hoặc lợi nhuận giữ lại chưa phân phối.

Rung lắc mạnh, nhà đầu tư chốt lời cổ phiếu

Phiên giao dịch sáng nay, thị trường tiếp tục rung lắc mạnh. Các chỉ số quẩn quanh ngưỡng tham chiếu, không thể bứt lên nhưng cũng không giảm sâu.

Hiện tại, tạm đóng cửa phiên sáng, VN-Index giảm 1,35 điểm tương ứng 0,15% còn 902,63 điểm; HNX-Index ngược lại tăng 0,46 điểm tương ứng 0,35% lên 132,2 điểm và UPCoM-Index nhích nhẹ 0,01 điểm tương ứng 0,01% lên 61,53 điểm.

Thanh khoản suy giảm. Tổng khối lượng giao dịch trên HSX đạt 198,65 triệu cổ phiếu tương ứng 3.626,11 tỷ đồng và trên HNX đạt 26,9 triệu cổ phiếu tương ứng 284,52 tỷ đồng. Thanh khoản trên thị trường UPCoM đạt 15,07 triệu đơn vị tương ứng 229,55 tỷ đồng.

Các con số thống kê phản ánh rõ nét sự chật vật trong phiên giao dịch sáng. Vẫn còn 923 mã không có giao dịch nào diễn ra, trong khi độ rộng thị trường lại nghiêng về phía các mã giảm. Trên cả 3 sàn có 367 mã giảm giá, 28 mã giảm sàn so với 265 mã tăng, 29 mã tăng trần.

Thị trường giai đoạn này đang thiếu vắng sự dẫn dắt của những cổ phiếu đầu tàu. Măc dù một số mã như VIC, MSN, BID vẫn tăng nhưng ảnh hưởng của những mã này không đáng kể, trong khi đó, VCB, SAB, BCM lại giảm.

Giao dịch tiếp tục sôi động tại STB của Sacombank. Mã này sáng nay tiếp tục được giao dịch mạnh nhất thị trường với khớp lệnh đạt 20,91 triệu đơn vị và tăng giá lên 13.550 đồng/cổ phiếu.

Nhìn chung, diễn biến của thị trường không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích. Theo Công ty chứng khoán SHS, VN-Index có thể sẽ đi ngang và rung lắc với biên đô trong khoảng 900-910 điểm.

Do vậy, những nhà đầu tư đã chốt lời một phần danh mục quanh ngưỡng 910 điểm có thể canh những nhịp tăng điểm lên quanh ngưỡng 910 điểm (nếu có) để tiếp tục hạ tỷ trọng cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, những nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng tiền mặt cao trong danh mục có thể mua bắt đáy một phần nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về quanh ngưỡng 900 điểm.

Tương tự, Yuanta Việt Nam cũng cho rằng, thị trường có thể sẽ còn điều chỉnh và VN-Index sẽ kiểm định lại ngưỡng hỗ trợ tâm lý 900 điểm.

Đồng thời, rủi ro ngắn hạn có chiều hướng tăng nhẹ và thị trường có thể sẽ bước vào giai đoạn tích lũy cho nên dòng tiền sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu và các nhà đầu tư ngắn hạn cần chú ý cơ cấu lại danh mục. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tiếp tục giảm và vẫn trong vùng lạc quan.