HSX "đá bù giờ", chỉ số mất hút: Nhà đầu tư phẫn nộ
(Dân trí) - Tình trạng "loạn giá", "sàn đơ" trở nên trầm trọng trong sáng nay. Việc Sở giao dịch HSX để nhà đầu tư phải giao dịch trong điều kiện tù mù về giá đang gây phẫn nộ.
"VN-Index đang mất bao nhiêu điểm?", "Thị trường đã có tín hiệu hồi phục chưa?"… là những câu hỏi rất phổ biến trong phiên giao dịch sáng nay (8/6).
Tình trạng nghẽn lệnh ngày một trầm trọng hơn. Từ đầu phiên sáng, không rõ vì nguyên nhân gì mà sàn HSX như bị phủ một lớp màn che, nhà đầu tư đặt lệnh trong dò dẫm. Chỉ số "mất hút" hoàn toàn, không hiển thị.
Đồ thị cuối phiên giao dịch sáng của VN-Index tiếp tục cho thấy sự gấp khúc thành những đoạn thẳng nối nhau lên xuống đầy khó hiểu.
Và càng khó hiểu hơn khi đây là phiên thứ hai xuất hiện tình trạng "đá bù giờ" trên sàn HSX. Theo đó, mặc dù đã kết thúc phiên buổi sáng tại 11h30 nhưng sau thời điểm nói trên, bảng điện vẫn "nhấp nháy", phần dữ liệu về khối lượng khớp vẫn "nhảy số" liên tục.
Lấy ví dụ ở mã DXG, sau khi giảm sàn, tại mã này cổ phiếu vẫn được giao dịch đến 11h31'56" hay MSB "bù giờ" đến 11h31'52".
Do các công ty chứng khoán vẫn chưa "tháo khóa" cho tính năng hủy/sửa lệnh, do đó, tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn trong việc ra quyết định. Giữa lúc thị trường giảm, một số nhà đầu quyết đoán đặt lệnh thị trường (MP) nhưng cũng có những nhà đầu tư thận trọng và lựa chọn đứng ngoài quan sát.
"Nếu bán bằng mọi giá thì có thể sẽ bị thiệt hại nhưng nếu mua bằng mọi giá cũng rất mạo hiểm vào thời điểm này, do đó, tôi cho rằng mình cần quan sát thêm. Nay các công ty chứng khoán không cho hủy/sửa lệnh, nếu đặt lệnh thường (LO) thì khả năng treo lệnh rất cao, bán không bán được, mua cũng chẳng xong" - chị Phan Hương Thảo, nhà đầu tư ở thành phố Vinh (Nghệ An), chia sẻ.
Theo ghi nhận của Công ty chứng khoán VPS, đến hết phiên giao dịch buổi sáng, dự tính khối lượng khớp trên HSX vượt 9% khối lượng giao dịch trung bình 5 phiên. Tuy vậy, theo số liệu thể hiện thì giá trị giao dịch trên sàn HSX sáng nay là 16.662,86 tỷ đồng với khối lượng giao dịch tổng cộng là 532,81 triệu đơn vị.
Trên HNX có 101,14 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng giá trị giao dịch 2.377,91 tỷ đồng; UPCoM có 50,27 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 917,64 tỷ đồng.
Các chỉ số trên thị trường đồng loạt giảm sâu. VN-Index thiệt hại 11,15 điểm tương ứng 0,82% còn 1.347,63 điểm; HNX-Index giảm 3,8 điểm tương ứng 1,19% còn 314,84 điểm và UPCoM-Index giảm 0,67 điểm tương ứng 0,75% còn 88,39 điểm.
Sắc đỏ bao phủ thị trường, trong đó cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán bị bán mạnh dù đạt được sự hồi phục nhẹ đầu phiên. Kế đến nhóm chứng khoán, bất động sản, dầu khí không nằm ngoài xu hướng.
Do giá dầu điều chỉnh giảm nên sáng nay cổ phiếu dầu khí cũng đồng loạt bị chốt lời. BSR, PLX, PVD, PVS, PVB đồng loạt giảm giá sâu.
Trên trang cá nhân, chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp nhận xét, việc cấm hủy/sửa lệnh là "bước lùi" của chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng giảm điểm trên thị trường còn do nhiều mã đã tăng nóng và giá quá cao, cần nhịp điều chỉnh. Nhà đầu tư theo đó cần quản trị rủi ro tốt, canh tích lũy thêm khi giá "đẹp".
Trong khi đó, trên các diễn đàn đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư tỏ ra bức xúc vì hệ thống của HSX.
Anh Nguyễn Thành Nam, một nhà đầu tư tại TPHCM, cho biết việc chốt lời là dễ hiểu. Tuy nhiên, việc lãnh đạo Sở HSX để nhà đầu tư phải giao dịch trong điều kiện tù mù về giá cả, theo anh, là "không thể chấp nhận".
"Thêm vào đó, các công ty chứng khoán không cho hủy/sửa lệnh càng khiến tình hình tệ hơn. Ai sẽ chịu trách nhiệm với thiệt hại của nhà đầu tư? Chúng tôi nộp thuế, phí không thiếu một đồng vậy mà lại không được đảm bảo một sân chơi rõ ràng, minh bạch" - anh Nam bày tỏ.
Một số nhà đầu tư cũng cho rằng, việc một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đăng đàn trên báo chí "bắn" tín hiệu về việc nền giá của thị trường ở mức cao và công bố con số margin cuối tháng 5 là động thái "thiếu nhạy cảm" và dường như càng kích thích đà bán ra cổ phiếu.