Dòng tiền "say" chứng khoán bao giờ giảm nhiệt?
(Dân trí) - Số lượng nhà đầu tư mới, điểm số, thanh khoản trên thị trường chứng khoán liên tục lập kỷ lục mới. Khi mặt bằng lãi suất vẫn thấp, dòng tiền chảy vào kênh đầu tư này chưa có dấu hiệu dừng lại.
Anh Nguyên (35 tuổi, TPHCM) bắt đầu tham gia thị trường chứng khoán từ cuối năm 2020 với số vốn hơn 200 triệu đồng. Nguyên lần lượt bán hết danh mục cổ phiếu của mình đầu tháng 5 vì không muốn trải qua cảm giác "đau tim" một lần nữa như khi thị trường rớt mạnh hồi tháng 1.
Nhưng nhà đầu tư này đã nhầm. Từ chỗ hài lòng với khoản lãi hơn 30% sau gần 6 tháng tham gia đầu tư, Nguyên tiếc rẻ vì đáng ra đã có thể có thêm gần cả trăm triệu đồng trong tài khoản, nếu tiếp tục giữ cổ phiếu đến lúc này.
Kết thúc phiên 3/6, VN-Index lập đỉnh cao lịch sử mới ở 1.374 điểm, vượt xa phần lớn dự báo của các công ty chứng khoán vào đầu năm nay. Dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán cũng lập kỷ lục mới với giá trị giao dịch gần 1,6 tỷ USD trong một ngày.
Thị trường quá "nóng"?
"Chứng khoán đang "nóng" nhưng không phải bong bóng. Việc lựa chọn cổ phiếu sẽ không còn dễ dàng như trước", ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định.
Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam, ông Phan Dũng Khánh, cũng đánh giá chứng khoán tăng mạnh thời gian qua, nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng có lãi. Nhiều mã bluechip lớn một tháng vừa qua vẫn trồi sụt. "Thời mua cổ phiếu nào cũng thắng đã qua", ông Khánh nói.
Hiện tại, P/E (hệ số giá trên lợi nhuận mỗi cổ phần) của VN-Index theo Bloomberg đạt 18,8 lần. Ông Minh cho rằng P/E của thị trường Việt Nam ở mức 18 là hợp lý. Khi định giá vượt con số này, chứng khoán không còn rẻ.
Tuy nhiên, thị trường cũng chưa vào trạng thái "bong bóng" nếu so với mức P/E lịch sử gần 22 lần vào năm 2018.
Ngoài ra, chuyên gia của Yuanta cho rằng nội tại của các doanh nghiệp Việt cũng đã tốt hơn. Giai đoạn 2018 trở về trước, tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản (ROA) của nhiều doanh nghiệp Việt Nam thấp vì vay nợ quá lớn. Do đó, mỗi khi P/E của thị trường chứng khoán tiến đến mốc 18 thường giảm mạnh nhưng hiện tại dư địa tiếp tục tăng vẫn có.
Tuy nhiên, ông Minh cũng nhấn mạnh một số dòng cổ phiếu như ngân hàng, thép đã tăng quá "nóng" và sẽ cần nhịp điều chỉnh để cân bằng trở lại, tái tạo dòng vốn đầu tư. Thêm vào đó, tháng 6-7 là giai đoạn vùng trũng về thông tin của thị trường. Nhà đầu tư có thể phải đợi đến thời điểm doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý II mới có cú hích mới.
Miễn nhiễm với thông tin dịch bệnh
Ở 3 đợt bùng phát dịch Covid-19 trước, chứng khoán thường giảm mạnh rồi phục hồi, bắt đầu một đợt tăng mới. Nhưng trong lần bùng phát dịch thứ 4, thị trường điều chỉnh không đáng kể và liên tục tăng mạnh từ tháng 5 đến nay.
Ông Khánh cho rằng nhà đầu tư ngày càng miễn nhiễm với thông tin về dịch bệnh. Thêm vào đó, chứng khoán cũng là kênh đầu tư trực tuyến hợp pháp gần như duy nhất hiện nay. Trong bối cảnh dịch bệnh, dòng tiền chảy vào bất động sản, hoạt động sản xuất kinh doanh đều gặp khó.
Theo thống kê của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), 114.107 tài khoản giao dịch được mở mới. Hơn 99,5% trong số này là của nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp cũng nhấn mạnh diễn biến tương tự xảy ra ở nhiều thị trường trên thế giới. Theo ông Điệp, chứng khoán là kỳ vọng vào tương lai của nhà đầu tư. Hiện tại, bức tranh tươi sáng khi dịch bệnh được khống chế ở Mỹ, châu Âu nhờ chính sách tiêm vaccine đã hiện ra. Do đó, nhà đầu tư không còn sợ hãi vì Covid-19.
Yếu tố mấu chốt để chứng khoán Việt Nam có tiếp tục đà tăng mạnh hay không theo các chuyên gia là dòng tiền của nhà đầu tư. "Con số thanh khoản khớp lệnh tỷ USD cách đây vài năm không ai có thể hình dung được nhưng ngày hôm nay đã lên tới 1,5 tỷ USD", ông Điệp nói.
Theo chuyên gia này, nếu giá trị thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức cao như vậy trong thời gian tới, đó là tín hiệu đáng mừng, khi chứng khoán thật sự trở thành kênh đầu tư lớn và dòng tiền ở lại ổn định trong thị trường. Nhưng ngược lại, nếu dòng tiền rút ra, thị trường có thể đối diện rủi ro.
Các chuyên gia đều cho rằng, lãi suất đã chạm đáy nhưng cũng khó bật tăng sớm trở lại dù một số ngân hàng đã phát tín hiệu điều chỉnh nâng nhẹ lãi suất. Nếu lãi suất còn thấp, tiền còn "rẻ", dòng tiền đổ vào chứng khoán nhiều khả năng vẫn dồi dào.
Tuy nhiên, ông Khánh cũng chỉ ra một số tín hiệu nhà đầu tư cần lưu ý. Đó là số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của cá nhân mở mới tăng mạnh nhưng của tổ chức đang có dấu hiệu giảm. Khối ngoại vẫn miệt mài bán ròng dù thị trường lập đỉnh. "Thị trường có nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ lệ chi phối quá lớn có thể lên rất nhanh nhưng khi xuống cũng xuống rất sâu", ông Khánh nói.