HSBC: Kinh tế Việt Nam “vượt khỏi vòng nguy hiểm”

(Dân trí) - “Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong quý I khá thấp, chỉ ở mức 5,6%; nhưng những số liệu được công bố gần đây lại cho thấy đà tăng trưởng đã được cải thiện”, báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á quý III của HSBC cho hay.

Trong phần đánh giá về Việt Nam, nhóm nghiên cứu của HSBC cho biết, tăng trưởng quý II không đổi so với cùng kỳ năm ngoái (5,6%), cũng đánh dấu bước phát triển tích cực. Ngành nông nghiệp và thủy sản tiếp tục đối mặt với vấn đề gián đoạn nguồn cung do những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt (như El Niño). Nhưng mức tăng trưởng khiêm tốn của sản lượng các nhóm ngành chính lại cho thấy Việt Nam đã vượt qua thời kỳ gián đoạn nguồn cung tồi tệ nhất.

Trong khi đó, đà tăng trưởng ở nhóm ngành thứ cấp cũng đã cải thiện, với mức tăng từ 7,1% trong quý I lên 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm ngành sản xuất tăng mạnh, bù đắp cho hoạt động xây dựng đang chững lại. Cuối cùng, nhóm ngành dịch vụ cũng có những chuyển biến tích cực so với quý trước, tăng từ 6,0% trong quý I lên 6,6% so với cùng kỳ năm trước trong quý II.

Tuy nhiên, theo HSBC, nhóm ngành xuất khẩu vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn do nhu cầu thế giới suy yếu nhưng nhu cầu nội địa nhiều khả năng sẽ tăng mạnh hơn trong nửa sau năm 2016. Do đó, Nhà nước sẽ vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy nhu cầu gia tăng và khuyến khích đầu tư, ví dụ như hoãn kế hoạch thắt chặt tín dụng cho lĩnh vực cho thuê bất động sản.

“Chúng tôi vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2016 và 2017 lần lượt ở mức 6,3% và 6,6%”, nhóm chuyên gia đánh giá.


 HSBC giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2016 và 2017 lần lượt ở mức 6,3% và 6,6%

HSBC giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2016 và 2017 lần lượt ở mức 6,3% và 6,6%

Cũng theo HSBC, điều đáng mừng là chính mức tăng trưởng quý I và quý II trong vòng kiểm soát đã giúp phục hồi các yếu tố cân bằng bên ngoài: cán cân thương mại một lần nữa cải thiện sau thời gian suy yếu với thâm hụt ở mức 3,6 tỷ USD trong năm 2015. Vì vậy, HSBC đã điều chỉnh lại dự báo tài khoản vãng lai năm 2016 của mình, tăng lên 0,7% GDP (so với mức thâm hụt trị giá 0,7% GDP).

May mắn thay, “Việt Nam tiếp tục nhận nguồn FDI dồi dào, giúp cán cân thanh toán duy trì ở mức dư dả và tạo điều kiện cho dự trữ ngoại hối phục hồi. Từ đầu năm đến tháng 6, nguồn FDI được giải ngân cán mốc 7,3 tỷ USD, đánh dấu tốc độ tăng trưởng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Với nhiều nhà máy bắt đầu hoạt động trong năm nay, chúng tôi dự báo FDI sẽ chiếm tỷ lệ ngày càng nhiều trong thị phần xuất khẩu quốc tế của Việt Nam, cho phép ngành hàng hải tiếp tục đạt mức tăng trưởng một chữ số cao thậm chí trong bối cầu nhu cầu quốc ngoại chậm lại”, bản báo cáo nêu rõ.

Đề cập tới lạm phát, báo cáo cho hay, lạm phát cơ bản vẫn nằm trong vòng kiểm soát, dao động từ 1,6% đến 2,0% so với cùng kỳ năm trước trong suốt một năm qua, nhu cầu nội địa dồi dào cùng tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ cho thấy vấn đề nới lỏng tiền tệ sẽ bị giới hạn hơn trước.

“Chúng tôi dự báo lạm phát toàn phần sẽ đạt ngưỡng mục tiêu 5% của Nhà nước vào cuối nửa đầu năm 2017. Đáp trả lại, Ngân hàng Nhà nước có khả năng sẽ nâng lãi suất ở kênh thị trường mở thêm 50bp (điểm cơ bản), lên mức 5,5% trong quý III. Khả năng Nhà nước nới lỏng tài chính cũng bị giới hạn. Lợi nhuận không gia tăng đáng kể cùng với giá dầu suy yếu cho thấy thâm hụt ngân sách nhiều khả năng vẫn tăng cao, hạn chế khả năng nhà nước tăng cường chi phí đầu tư tài sản cố định”, HSBC nhấn mạnh.

Theo đó, trong năm nay thâm hụt ngân sách được dự đoán sẽ nới rộng lên mức 6,6% GDP, khiến tỷ lệ nợ công trên GDP tiến đến ngưỡng giới hạn 65% do Quốc hội đặt ra. Để giành lại cơ hội tài chính, Việt Nam cần nỗ lực mở rộng cơ sở doanh thu và giảm thiểu chi tiêu hiện tại, nhưng những cải cách này không thể thực hiện một sớm một chiều.

An Hạ