Hốt bạc từ mua nhà sở hữu nhà nước!
TPHCM đang hình thành một số đường dây mua nhà sở hữu nhà nước (SHNN) chưa hóa giá. Những biệt thự, chung cư, khu cư xá... trở thành những miếng mồi ngon vì họ mua với giá rẻ, chỉ cần sang tay đã lời hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lượng vàng!
Đất... tự nhiên “biến mất”
Sau năm 1975, khu nhà 242 Pasteur, P.6, Q.3, TPHCM được chuyển giao cho ngành giáo dục quản lý và Trường đại học Sư phạm (ĐHSP) TPHCM bố trí cho các cán bộ, công nhân viên của trường làm nhà ở. Khu nhà bốn tầng (chưa kể tầng trệt), xây dựng trên diện tích 764m2. Tổng cộng có 30 hộ sử dụng khoảng 40 căn, diện tích trên dưới 20m2/căn.
Theo chủ trương của Chính phủ, nhà đất thuộc SHNN đã bố trí cho CB-CNV ở phải bàn giao cho cơ quan nhà đất TP quản lý, để hóa giá cho người thuê. Tháng 10/2006, Trường ĐHSP TPHCM thông báo cho các hộ thuê tại khu nhà trên biết trường đã làm thủ tục bàn giao ba khu nhà tập thể cho ngành nhà đất TP, trong đó có khu nhà 242 Pasteur.
Cùng thời điểm này, Sở Xây dựng TP có văn bản đề nghị Công ty Dịch vụ công ích (DVCI) quận 3 tiếp nhận khu nhà và giải quyết thủ tục cho các hộ đang thuê ký hợp đồng, bán nhà theo qui định.
Báo cáo của Công ty DVCI quận 3 cho thấy đến giữa tháng 3/2007 có 20 hộ ký hợp đồng thuê, 15 hộ đã nộp hồ sơ mua nhà, các trường hợp còn lại do tranh chấp, đang thuê hai căn nhà SHNN nên phải xin ý kiến cơ quan chức năng...
Hợp đồng thuê là điều kiện để làm thủ tục hóa giá nhưng một số hộ lại phát hiện diện tích căn hộ ghi trong hợp đồng mới nhỏ hơn diện tích đã thuê. Như nhà ông D.V.H., ở phòng 402 diện tích là 23m2 nhưng nay giảm còn 21m2. Một trường hợp khác ở lầu tư có ba căn cũng “mất” khoảng 15m2 so với trước. Diện tích giảm có lợi cho người thuê vì số tiền hóa giá ít hơn. Nhưng thực chất nhiều người thuê đã bán căn hộ khi chưa hóa giá.
Đường dây mua “lúa non”
Ngay khi khu nhà được chuyển giao cho Công ty DVCI quận 3, có thông tin rỉ tai nhau: một số “đại gia” muốn mua khu nhà này.
Đứng phía sau những đường dây mua bán nhà SHNN thường là các “đại gia”. Do giá bán theo nghị định 61 hiện thấp so với giá thị trường (do chính sách nhà nước bán ưu đãi cho người thuê nhằm tạo điều kiện về chỗ ở) nên các “đại gia” này chấp nhận “mua lúa non”, sau đó “chạy” thủ tục để có được các khu đất trên. Tuy nhiên giá bán từng căn nhà riêng lẻ cộng lại vẫn không cao bằng mua nguyên khu nhà đất một lần, ngoài ra người mua còn được “cho” thêm phần diện tích công cộng… |
Nhưng việc thương lượng giá giữa các hộ không thành. Lập tức có thông tin được tung ra là cơ quan chức năng sẽ giải tỏa làm trường tiểu học quốc tế, Nhà nước có chủ trương thu hồi khu nhà này...
Thông tin trên khiến những hộ đang sống tại đây hoang mang, và một số hộ đồng ý bán căn hộ. Bên mua đưa ra một hợp đồng mua bán, chuyển nhượng nhà soạn sẵn. Các chủ hộ đồng ý chỉ cần ký vào. Như ông P.N. có hai căn hộ ở tầng ba, diện tích hơn 50m2, bán 100 lượng vàng, đã nhận tiền cọc 10 lượng vàng...
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết chủ đầu tư khu nhà trên là bà Huỳnh Thị Giàu (ở quận 1), còn ông Bùi Duy Hợp, giám đốc Công ty TNHH thương mại Âu Việt Phát (viết tắt là Công ty Âu Việt Phát, trụ sở ở đường Minh Phụng, quận 11, TPHCM), đại diện cho bên tư vấn đầu tư.
Nhưng thực tế chuyện thương lượng giá cả giữa bên mua và bên bán thông qua bà Âu Thiên Thư, xưng là người của Công ty Âu Việt Phát. Bà Thư cũng là người được các hộ dân bán nhà ủy quyền đứng ra làm thủ tục hóa giá với Công ty DVCI quận 3.
Theo một biên bản thanh lý hợp đồng tư vấn đầu tư, đến ngày 25/1/2007, hợp đồng giữa Công ty Âu Việt Phát và bà Giàu chấm dứt. Công ty Âu Việt Phát không tiếp tục tư vấn đầu tư mua bán nhà với các hộ dân tại khu nhà 242 Pasteur và không còn trách nhiệm, quyền lợi trong các hợp đồng đã ký...
Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, biên bản thanh lý hợp đồng trên được lập vào thời điểm hầu hết các hộ dân tại khu nhà đã đồng ý bán căn hộ hoặc nhận tiền cọc từ bên mua.
Ông Lê Ngọc Dũ - trưởng phòng quản lý nhà Công ty DVCI quận 3 - cho rằng việc mua bán nhà khi chưa hóa giá là sai qui định. Ông Dũ nói trường hợp không phải là người thuê nhà nhưng đến làm thủ tục hóa giá tại công ty phải có giấy ủy quyền của bên thuê, nếu không công ty sẽ không giải quyết.
Chỉ sang tay, lời hàng trăm lượng vàng
“Cò” L., tự giới thiệu là người của chủ đầu tư, thường xuyên tiếp xúc với một hộ dân có căn hộ tại chung cư 242 Pasteur, cho biết chủ đầu tư đã khoán cho bên tư vấn là 90 lượng vàng/hộ. Hộ nào đồng ý bán dưới mức này thì bên tư vấn hưởng, nếu mua cao hơn thì tư vấn phải bù vào.
Theo những người dân tại đây, giá bán thấp nhất là 75 lượng vàng/hộ và cao nhất là 100 lượng vàng/hộ (mỗi hộ có 1-3 phòng). Cũng theo “cò” L., ngoài số tiền mua nhà, chủ đầu tư còn trả thêm chi phí khoảng 10 lượng vàng nữa để hóa giá, làm thủ tục mua nhà. Như vậy số tiền mà chủ đầu tư bỏ ra mua khu nhà trên khoảng 3.000 lượng vàng.
Một chuyên gia thẩm định giá bất động sản cho biết giá đất tại khu vực trên (cách đường Pasteur khoảng 40m) hiện khoảng 5 lượng vàng/m2, trong khi tiền mua căn hộ, chi phí hóa giá... bình quân chưa tới 4 lượng vàng/m2. Chỉ cần làm thủ tục xong, sang tên lại chủ đầu tư có vài trăm lượng vàng “bỏ túi”. Nếu xây dựng chung cư cao cấp hoặc cao ốc cho thuê, lợi nhuận sẽ cao hơn.
Trường hợp “mở” được khu nhà ra mặt tiền đường Pasteur thì giá trị sẽ tăng lên rất nhiều (giá mặt tiền đường Pasteur đoạn trên hiện khoảng 9 lượng vàng/m2), lúc này gần như một lời một.
Vì vậy mới đây, một nguồn tin cho biết một “đại gia” khác đang tìm cách nhảy vào khu nhà này, chấp nhận trả giá cao hơn hàng chục lượng vàng mỗi căn hộ so với giá mua của “đại gia” trước đó.
Theo Phúc Huy
Báo Tuổi trẻ