Hồn táo Tàu, da táo Mỹ
Thị trường trái cây nhập khẩu có thể nói là đang rơi vào tình trạng "bát nháo" khi người tiêu dùng và cơ quan chức năng không thể phân biệt được xuất xứ chính xác của các loại trái cây gắn mác nhập khẩu và được bán với đủ loại giá.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc chuỗi cửa hàng K., với hệ thống 10 cửa hàng chuyên nhập khẩu và phân phối trái cây tươi tại Hà Nội, hiện tại, có 4 loại trái cây của Mỹ đã được cho phép nhập khẩu vào Việt Nam gồm táo, cherry (anh đào), lê và nho.
Tuy nhiên, quy định về kiểm dịch của Việt Nam đối với các loại trái cây nhập khẩu chính ngạch từ Mỹ nói riêng và các nước khác nói chung rất chặt chẽ. Tất cả các lô hàng đều được các cơ quan chức năng của Việt Nam lấy mẫu để kiểm tra côn trùng, dịch bệnh và dư chất hóa học. Do đó, khó để có được mức giá rẻ như nhiều mức giá được chào bán trên thị trường hiện nay.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng cung cấp trái cây nhập khẩu và bán trực tuyến khiến thị trường này càng đa dạng cũng như... phức tạp hơn. Rất khó để truy xuất nguồn gốc của các loại trái cây này.
Ngay tại cổng thông tin của Hiệp hội Rau quả Việt Nam và các cơ quan ban ngành liên quan cũng không có thông tin, số liệu rõ ràng về mặt hàng này, hầu hết chỉ là thông tin về rau củ quả Việt Nam đã và đang xuất khẩu.
Trong khi đó, nhiều loại trái cây nhập khẩu như cherry, táo New Zealand... bày bán nhan nhản ở vỉa hè với giá thấp hơn nhiều giá trong siêu thị. Theo Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), thực tế lượng trái cây được nhập khẩu từ phương Tây vào thị trường Việt Nam không đáng kể. Trái cây giá rẻ bày bán trên thị trường có thể là gắn nhãn mác giả.
Nhiều người tiêu dùng nghi ngờ rằng các loại trái cây "nhập khẩu" giá rẻ này đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo tài liệu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (US International Trade Commission), Trung Quốc đang vượt mặt Hoa Kỳ tại thị trường trái cây nhập khẩu vào Việt Nam.
Trung Quốc đang dẫn đầu về sản phẩm táo giá rẻ, chủ yếu cung cấp cho nhưng thị trường mà giá là yếu tố tác động đến hành vi tiêu dùng. Trong khi táo Mỹ lại nhắm đến thị trường đòi hỏi cao về chất lượng.
Ước tính từ năm 2008 - 2010, giá trị xuất khẩu táo Trung Quốc vào Việt Nam đạt 53 triệu USD, trong khi táo Mỹ đạt 8 triệu USD. Trong năm 2012, Trung Quốc xuất khẩu 547.000 tấn trái cây vào Việt Nam và nhập khẩu 954.900 tấn từ Việt Nam, tăng 6,71% và 11,16 % so với số liệu thống kê năm 2011.
Theo ông Kris Marceca, Giám đốc Điều hành Hội đồng Xuất khẩu táo Mỹ (USAEC ), doanh nghiệp Mỹ đang đẩy mạnh xuất khẩu táo vào thị trường Đức và Việt Nam.
Thế nhưng, theo phân tích của ông Desmond O'Rourke, giáo sư kinh tế tại Đại học bang Washington, với lợi thế lao động giá rẻ và công nghệ mới nhất từ châu Âu, Trung Quốc đã chiếm ưu thế trong thị trường xuất khẩu táo.