1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Hơn 5,3 triệu lượt khách sử dụng xe buýt BRT trong năm 2018

(Dân trí) - Số liệu thống kê của World Bank cho thấy, năm 2018, xe buýt BRT đã vận chuyển 5,3 triệu hành khách, tăng 6,3% so với năm trước.

Hơn 5,3 triệu lượt khách sử dụng xe buýt BRT trong năm 2018 - 1

BRT có lượng hành khách tăng dần trong hai năm qua.

Phát biểu tại hội thảo “Chiến lược phát triển giao thông công cộng cho mạng lưới giao thông đô thị bền vững tại Hà Nội” vừa diễn ra, ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam cho biết, hai năm trước đây, Hà Nội ra mắt tuyến BRT đầu tiên của cả nước, là hợp tác giữa World Bank và Thành phố Hà Nội.

"Dự án này là bước khởi đầu quan trọng trong việc hiện thực hóa tầm nhìn giao thông đô thị của Hà Nội, bao gồm tăng tỷ trọng giao thông công cộng từ 35% lên 45% vào năm 2035 - một mục tiêu có thể nói là rất tham vọng trong bối cảnh xe máy chiếm 65% trong tất cả lưu lượng giao thông của thành phố", ông Ousmane Dione nói.

Theo ông Ousmane Dione, đến nay, BRT đã cho thấy lợi ích bền vững của một phương thức di chuyển an toàn, sạch sẽ, hiệu quả và thoải mái cho người Hà Nội.

"BRT là mô hình đầu tư vận tải khối lượng lớn trong tương lai tại Hà Nội với lượng hành khách tăng dần trong hai năm qua. Năm 2018, BRT đã vận chuyển 5,3 triệu hành khách, tăng 6,3% so với năm trước", chuyên gia từ World Bank cho biết.

Tuy nhiên, ông Ousmane Dione cho rằng, một mình BRT chưa đủ để giúp đạt được tầm nhìn giao thông đô thị cao của Hà Nội cũng như không giải quyết được những thách thức giao thông đô thị ngày càng tăng mà thành phố hiện đang phải đối mặt.

Sự phát triển nhanh chóng của Hà Nội đã đặt ra một loạt thách thức từ tiếng ồn, ô nhiễm không khí đến các vấn đề an toàn và không gian cho người đi bộ. Để giải quyết những vấn đề đang gia tăng này, thành phố cần có một mạng lưới giao thông công cộng tích hợp, phạm vi bao phủ rộng và đáng tin cậy.

"Tuy nhiên, nền tảng của tất cả mạng lưới giao thông công cộng thành công là hệ thống xe buýt thông thường hiệu quả. Bước tiếp theo trong việc phát triển mạng lưới giao thông đô thị bền vững là mở rộng hệ thống giao thông công cộng khối lượng lớn", ông nói.

Theo đó, Hà Nội sẽ ra mắt tuyến tàu điện ngầm đầu tiên trong năm nay khi Tuyến metro 2A chính thức vận hành. Dịch vụ mới này cùng với thành công của BRT và những điều chỉnh khác liên quan đến mạng lưới xe buýt hiện tại, được kỳ vọng sẽ tiếp tục thay đổi việc di chuyển trong thành phố của người dân Hà Nội. Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường sắt đô thị mới cũng đã được lên kế hoạch triển khai.

"Đây là cơ hội lớn để thay đổi phương thức di chuyển của thành phố, đồng thời nâng cao chất lượng không khí, an toàn cũng như tạo thuận lợi cho việc đi lại của trẻ em và người già", ông nhấn mạnh.

Phương Dung

bannerchan-bai.gif