Hơn 22.000 tỷ đồng nợ xấu, 10.000 tỷ đồng sai phạm tại VDB

(Dân trí) - Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, hiện Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) có 22.600 tỷ nợ xấu, trong đó có khoản nợ xấu cho vay các dự án thuộc chương trình đóng tàu của Vinashin.

VDB cũng có nhiều sai phạm khác trong việc thẩm định, cho vay nguồn vốn ưu đãi.
 
Phó Tổng Thanh tra Chính Phủ Ngô Văn Khánh trao đổi nhiều nội dung khi công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật tại VDB hôm nay, 10/1.

Nợ xấu chiếm tỷ lệ hơn 12%

Về việc huy động vốn, thanh tra xác định từ 2008 - 2010, Ngân hàng này chưa thực hiện đúng nguyên tắc “chỉ huy động các nguồn vốn với lãi suất thị trường để cho vay khi đã sử dụng tối đa các nguồn vốn không phải trả lãi hoặc trả lãi thấp”; chưa có giải pháp chủ động trong việc cân đối giữa huy động và sử dụng vốn dẫn đến tình trạng vốn đã huy động nhưng chưa sửa dụng còn tồn lớn. Điều này dẫn đến việc sử dụng vốn kém hiệu quả, tăng chi phí.

Phân loại nợ của VDB, Thanh tra Chính phủ cho biết, tổng dư nợ của Ngân hàng này hiện khoảng 180.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ đủ tiêu chuẩn hơn 148.000 tỷ, nợ cần chú ý trên 8.600 tỷ và nợ xấu là 22.600 tỷ.

Như vậy, nợ xấu chiếm 12,57% trong tổng dư nợ của ngân hàng, trong đó khoản nợ thuộc nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn chiếm tỷ lệ đáng kể.
 
Nhiều sai phạm của VDB thời gian qua đã được thanh tra chỉ rõ.
Nhiều sai phạm của VDB thời gian qua đã được thanh tra chỉ rõ.

Trong tổng số nợ xấu này, các khoản nợ xấu nhận bàn giao từ tổ chức tiền thân của VDB (Tổng Cục đầu tư phát triển, Quỹ đầu tư phát triển) chưa được xử lý chiếm hơn 5.000 tỷ đồng; nợ đối với các chương trình của Chính phủ chỉ định cho vay, ngân hàng không thực hiện thẩm định là hơn 6.000 tỷ đồng; nợ cho vay vốn ODA khoảng 2.000 tỷ đồng và nợ cho vay các dự án thuộc chương trình đóng tàu Vinashin xấp xỉ 3.800 tỷ đồng. Tổng số nợ do các nguyên nhân này là 17.400 tỷ đồng.

“Nếu loại trừ các khoản nợ xấu này ra khỏi tổng số nợ xấu của VDB thì số lượng nợ xấu còn lại đến hết năm 2012 vẫn là 20.600 tỷ đồng, chiếm 11,46% trên tổng dư nợ.

Phó Tổng Thanh tra Ngô Văn Khánh giải thích, Thanh tra buộc phải chia lẻ tỷ lệ nợ xấu của VDB nhiều khoản vì đặc thù của ngân hàng này, có nhiều dự án do Chính phủ chỉ định ngân hàng thực hiện, do thực hiện nghĩa vụ quốc tế, do phải tham gia hỗ trợ các chương trình xã hội như đánh bắt xa bờ, tôn nền vượt lũ… Đây là những nhiệm vụ xã hội chỉ đặt ra với VDB, khác hẳn các ngân hàng thương mại khác.

Về việc cho vay thí điểm vốn tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu, Thanh tra kết luận, Tổng GĐ VDB đã thực hiện không đúng thẩm quyền, không phù hợp với quy định của Chính phủ, Thủ tướng về việc này. Mặc dù ngân hàng đã nỗ lực khắc phục sai sót nhưng dự nợ cho vay thí điểm hiện vẫn còn hơn 260 tỷ đồng, trong đó tới 85,3% là nợ xấu (nợ xấu nhóm 5 chiếm 57%). Khả năng thu hồi đầy đủ số tiền này là rất khó khăn.

Người đứng đầu ngân hàng này cũng chấp thuận cho vay theo lãi suất thỏa thuận với 4 chi nhánh của mình với nội dung không đúng điều kiện, cơ chế cho vay. Kết quả kiểm tra, VDB thực hiện cho vay với 6 dự án, tổng số vốn hơn 930 tỷ đồng, số tiền chênh lệch lãi suất là 26,8 tỷ đồng.

Kiểm tra 159 dự án cho vay vốn tín dụng đầu tư với tổng số vốn 24.800 tỷ đồng của ngân hàng, thanh tra cũng phát hiện nhiều nội dung thực hiện không đúng quy định của nhà nước như: cho vay không đúng đối tượng, sử dụng vốn vay sai mục đích; thẩm định cho vay vốn chưa chính xác, sai căn cứ, vi phạm về tài sản đảm bảo, giải ngân…

Kết quả kiểm tra hồ sơ cho vay tín dụng xuất khẩu cũng thể hiện nhiều khuyết điểm, vi phạm. Có 24/63 khách hàng được kiểm tra hồ sơ phát hiện vi phạm ở giai đoạn thẩm định, phê duyệt cho vay, 7 khách hàng vi phạm ở giai đoạn giải ngân vốn vay (vay vốn thu mua nông sản của nông dân với tổng số 680 tỷ đồng).

Thanh tra Chính phủ còn chỉ rõ, có 38 khách hàng vi phạm về mục đích sử dụng vốn với tổng số 7.300 tỷ đồng… Có 35 dự án đóng mới tàu biển, tàu sông... có tổng dư nợ lớn 2.500 tỉ đồng tính đến 31/6/2011 nhiều khả năng mất vốn.

Đề chuyển điều tra vụ mua tàu cũ giá cao

Việc bảo lãnh cho các DN vay vốn được Thanh tra “điểm tên” một số thương vụ khuất tất. VDB bảo lãnh cho Cty CP Tasco vay thực hiện dự án xây dựng tuyến đường từ Lê Đức Thọ đến đường 70 (Hà Nội) khi dự án chưa đáp ứng đủ các điều kiện bảo lãnh theo quy định. Ngân hàng cũng bảo lãnh tiền tạm ứng 204 tỷ đồng cho CTy CP thép Cửu Long Vinashin khi không đáp ứng đủ điều kiện và không đúng quy định về đối tượng bảo lãnh. Thương vụ này, cơ quan thanh tra xác định có dấu hiệu cố ý làm trái nhưng đến nay chưa xác định được hậu quả nên phải kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu ngân hàng chủ động chuyển hồ sơ sang CQĐT.

Ngoài ra, đến thời điểm 30/6/2011, có nhiều chứng thư bảo lãnh đã hết hạn nhưng không yêu cầu bổ sung, gia hạn chứng thư bảo lãnh. Số tiền tạm ứng không được bảo lãnh khi đó là gần 54 tỷ đồng và 1,8 triệu USD.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính, NHNN kiểm điểm trách nhiệm, đề xuất những giải pháp về chính sách, chiến lược cho vay, trích lập dự phòng rủi ro… đặc biệt là giải pháp xử lý nợ xấu và rủi ro thanh khoản nhằm giúp VDB khắc phục khó khăn, yêu kém, nguy cơ được chỉ ra.

Với việc cho vay 35 dự án đóng tàu, TTCP nhận định đây là vấn đề lớn, thuộc ngành nghề kinh doanh đã và đang gặp nhiều khó khăn gay gắt, khả năng thu hồi nợ rất khó khăn. Thanh tra kiến nghị giao Bộ Tài chính chỉ đạo ngân hàng phối hợi với UBND tỉnh Thái Bình và một số tỉnh có dự án kiểm tra, đánh giá cụ thể thực trạng từng dự án, xề xuất phương án xử lý báo cáo Thủ tướng; xử lý nghiêm khắc các vi phạm về cho vay, đặc biết với các giám đốc chi nhánh ký quyết định cho vay, giải ngân những dự án này.

Thanh tra cũng đề xuất giao Bộ GTVT chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến những vi phạm trong việc thực hiện dự án mua tàu để kinh doanh vận tải kết hợp huấn luyện của ĐH Hàng hải. Việc kiểm điểm tập trung vào những vi phạm trong việc đấu thầu, mua tàu cũ với giá cao hơn giá trị còn lại trên sổ sách kế toán với giá trị 2,1 triệu USD.

“Trong quá trình kiểm điểm, phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, thất thoát hoặc các tội phạm khác thì yêu cầu Bộ GTVT chủ động chuyển hồ sơ sang CQĐT xử lý” – kết luận thanh tra nêu rõ.

Phó Tổng Thanh tra Ngô Văn Khánh phân tích, vì ĐH Hàng hải là khách hàng vay vốn của VDB, không phải đối tượng thanh tra trực tiếp nên thanh tra không có điều kiện làm sâu nội dung này. Do chưa làm rõ được yêu tố sai phạm nhưng phát hiện có dấu hiệu nên TTCP thấy cần để Bộ chủ quản tiếp tục kiểm tra làm rõ.

Ngoài ra, thanh tra cũng kiến nghị chuyển CQĐT 2 vấn đề khác có dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc vi phạm các quy định về cho vay liên quan đến dự án Nhà máy sản xuất cao su Power với khoản nợ 15 tỷ đồng có khả năng mất vốn, việc cho vay với Cty TNHH Trúc Lâm với khoản nợ 72 tỷ đồng cũng được liệt vào nợ nhóm 5.

P.Thảo