1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hơn 2.000 gốc mai đi du Xuân, làng trồng mai dưới chân Đèo Ngang có nguồn thu hàng tỷ đồng

(Dân trí) - Tết Nguyên đán đang cận kề cũng là lúc những chủ vườn ở “thủ phủ” trồng mai Kỳ Nam (TX Kỳ Anh) tất bật chăm sóc cây mai phục vụ nhu cầu người dân. Dự kiến 2000 gốc mai đi du Xuân dịp Tết Nguyên đán này, ngôi làng nằm dưới chân núi Đèo Ngang sẽ có nguồn thu hàng tỷ đồng.

Hơn 2.000 gốc mai đi du Xuân

Một trong những vườn mai cảnh lớn nhất ở xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh- “thủ phủ trồng mai” nức tiếng ở Hà Tĩnh là của hộ anh Nguyễn Viết Xuân với gần 600 gốc. Trong số này có khoảng hơn 200 gốc mai trưởng thành có thể xuất bán với giá dao động mỗi gốc từ 1,5 - 10 triệu đồng.

 “So với năm ngoái, năm nay thời tiết thuận lợi hơn nên cây mai sinh trưởng, phát triển rất tốt”- anh Nam chia sẻ.

Hơn 2.000 gốc mai đi du Xuân, làng trồng mai dưới chân Đèo Ngang có nguồn thu hàng tỷ đồng - 1

Những cành mai Kỳ Nam no búp, chờ kheo sắc dịp Tết Nguyên đán

Với nhu cầu, thị hiếu ngày một lớn của người chơi mai cảnh ngày Tết, vườn mai của gia đình anh Xuân dự kiến sẽ cho thu nhập gần 150 triệu đồng.

Dự kiến có nguồn thu hơn 100 triệu đồng từ mai cảnh dịp Tết ở Kỳ Nam là vườn mai của anh Nguyễn Kim Nam nằm ở thôn Tân Tiến. Vườn mai nhà anh Nam có 200 gốc, các cây trong vườn đều cho búp sây đẹp, nếu thời tiết ổn định, từ nay tới tết, mai sẽ cho hoa đẹp, nở đúng dịp.

“Tính đến thời điểm này gia đình đã bán được gần 50 triệu đồng. Hiện một số cây đã có người xem và đặt cọc trước”- anh Nam tiết lộ.

Hơn 2.000 gốc mai đi du Xuân, làng trồng mai dưới chân Đèo Ngang có nguồn thu hàng tỷ đồng - 2

Anh Nguyễn Viết Xuân (áo xanh) bên vườn mai chờ xuất bán ngày Tết. Ảnh: Thu Trang

Theo đó, trong trường hợp tuốt lá trễ, cây ra hoa không đúng dịp tết, có thể áp dụng một số biện pháp để thúc hoa trổ sớm như phun ướt những mầm hoa lúc trời nắng cho những cây mai không chịu bung vỏ trấu, tưới rửa nụ, búp hoa vào sáng sớm; ngắt đọt non thúc ra hoa sớm; dùng đèn cao áp thắp sáng vào lúc 7-8 giờ tối hằng đêm. Nếu trời quá lạnh thì tưới nước ấm vào gốc, ngược lại, nếu trời có nắng nhiều thì đặt nước đá lên mặt đất gần gốc…

Hơn 2.000 gốc mai đi du Xuân, làng trồng mai dưới chân Đèo Ngang có nguồn thu hàng tỷ đồng - 3

Những gốc mai vàng đẹp đã bắt đầu rời khỏi Kỳ Nam 

Những người có nhiều kinh nghiệm trồng mai tết cho hay, cây mai không quá khó tính nhưng đòi hỏi người trồng phải cần mẫn, theo dõi sát để nắm bắt sớm và phòng trừ các loại sâu bệnh.

Hiện tại, các nhà vườn ở xã Kỳ Nam đã bán mai tết, một số cây đẹp được các khách sành chơi đặt cọc trước

 Điều quan trọng là người chủ vườn đúc kết kinh nghiệm, biết cách dựa vào tình hình thời tiết và nhìn sự phát triển của mỗi cây mai để chọn thời điểm bứt lá một cách phù hợp.

Công đoạn này nếu được thực hiện chính xác, cộng với thời tiết không có diễn biến bất thường sẽ giúp hoa nở đúng dịp tết, quyết định mùa trồng mai thắng lợi.

Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam Bùi Văn Chuổng cho biết, đến nay, tổng diện tích mai xã Kỳ Nam đạt gần 2 ha với hàng chục hộ tham gia. Có 22 hộ trồng mai với số lượng trên 100 gốc, sẽ đạt thu nhập trên 100 triệu đồng trong mùa thu hoạch Tết; các hộ trồng từ 20 - 30 gốc cho thu nhập trung bình khoảng 10 - 15 triệu đồng.

Hơn 2.000 gốc mai đi du Xuân, làng trồng mai dưới chân Đèo Ngang có nguồn thu hàng tỷ đồng - 4

Có 22 hộ ở Kỳ Nam trồng mai với số lượng trên 100 gốc, thu nhập trên 100 triệu đồng trong mùa thu hoạch Tết này

Với mức giá nêu trên, dự tính số lượng mai Kỳ Nam cung ứng ra thị trường Tết Nguyên đán tăng gấp đôi so với năm 2018 - khoảng 2.000 gốc, cho nguồn thu hàng tỷ đồng.

Ngỡ ngàng vườn "đào Nhật Tân" trong lòng TP Hà Tĩnh

Từ vài chục năm nay, phường Thạch Quý (TP Hà Tĩnh) được biết đến là làng trồng đào Nhật Tân có tiếng không chỉ ở tỉnh Hà Tĩnh.

Theo các cụ cao niên trong làng, người có công đưa cây đào Nhật Tân ươm giống tại đây là ông Trần Hải Ninh – một người dân tại khối phố Trung Đình. Vào đầu năm năm 90, của thế kỷ trước, ông thông gia (làng đào Nhật Tân, Hà Nội) đã đem biếu ông Ninh hơn chục gốc Nhật Tân đem về đất Thạch Quý để trồng. Cây đào Nhật Tân hợp với thổ nhưỡng của vùng đất này rồi ươm mầm xanh tốt. Từ vườn đào của mình, ông Hải Ninh đem giống cây đào Nhật Tân chiết trồng sang những nhà xung quanh.

Đến nay, theo thống kê, toàn phường Thạch Quý có 11 khối phố thì hầu như khối phố nào cũng có hộ trồng đào; trong đó có hơn 40 hộ trồng chuyên nghiệp, từ 50 cây đến 300 cây.

Hơn 2.000 gốc mai đi du Xuân, làng trồng mai dưới chân Đèo Ngang có nguồn thu hàng tỷ đồng - 5

Toàn phường Thạch Quý có 11 khối phố thì hầu như khối phố nào cũng có hộ trồng đào; trong đó có hơn 40 hộ trồng chuyên nghiệp, từ 50 cây đến 300 cây.

Năm nay, thời tiết thuận lợi nên cây đào Thạch Quý phát triển đúng với kỳ vọng của người trồng khi nụ đào ra nhiều, to, nhiều búp non vẫn đang trong giai đoạn ngậm cành.

Vườn đào nhà bà Nguyễn Thị Hạnh (khối phố Trung Đình) là vườn đào có diện tích lớn nhất phường Thạch Quý với hơn 300 gốc, chủ yếu là giống đào Nhật Tân. Theo ghi nhận của PV Dân trí, dù còn 3 tuần nữa mới tới Tết Nguyên đán, nhưng hiện khách khắp nơi đã bắt đầu đổ về  tận các nhà vườn đào tại đây để đặt mua.

Nhiều hộ dân trồng đào ở Thạch Quý đang rất phấn chấn, kỳ vọng về một vụ đào bội thu và đón một cái Tết đầy đủ.

Hà Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm