Hơn 16.200 doanh nghiệp "chết lâm sàng" trong 2 tháng cao điểm Covid-19
(Dân trí) - Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong hai tháng đầu năm 2020, Việt Nam có hơn 16.200 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động có thời hạn, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo tình hình hoạt động doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT nhắc nhiều đến cụm từ tác động của Covid-19 đến nền kinh tế nói chung và tình hình hoạt động của doanh nghiệp nói riêng.
Riêng trong tháng 2, cả nước có 4.567 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 61,8% so với cùng kỳ năm trước; có 3.841 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể tăng 120,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 2 được ghi nhận là tháng có doanh nghiệp "chết lâm sàng" cao và có sự tăng manh so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là tháng cao điểm của dịch bệnh Covid-19 tác động đối với nền kinh tế Việt Nam.
Số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 9.400 doanh nghiệp, giảm 31,4%; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 2.800 doanh nghiệp, giảm 11,1%, trong đó có 2,5 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 13,4%.
Như vậy, hết 2 tháng đầu năm, Việt Nam có khoảng 28.400 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh có thời hạn, dài hạn và giải thể.
Về phân loại doanh nghiệp, doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy 1.011 doanh nghiệp, giảm 20,2%; công nghiệp chế biến, chế tạo 344 doanh nghiệp, giảm 0,3%; xây dựng 245 doanh nghiệp, giảm 23,9%; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác 173 doanh nghiệp, giảm 5,5%; dịch vụ lưu trú và ăn uống 157 doanh nghiệp, giảm 12,3%; vận tải, kho bãi 109 doanh nghiệp, giảm 23,2%.
Về thành lập doanh nghiệp, trong 2 tháng đầu năm 2020 có 17.400 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2019 và gần 12.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 17,1%.
Trong tháng 2/2020, cả nước có 9.163 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký, tăng 10,7% về số doanh nghiệp, giảm 21,4% về vốn đăng ký so với tháng 1/2020.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 10,6 tỷ đồng, giảm 29% so với tháng trước và giảm 35,2% so với cùng kỳ năm trước.
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động của doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất lớn như vận tải, du lịch, sản xuất xe hơi và ngành sản xuất, xuất khẩu phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc.
Mới đây, tại cuộc họp với Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính, ngành Thuế khẩn trương có kế hoạch giãn, giảm và miễn thuế đối với doanh nghiệp khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Hệ thống ngân hàng cũng được lệnh giảm lãi suất, khoanh nợ hoặc không tính lãi doanh nghiệp có dư nợ vay, nhưng khó khăn do Covid-19. Tính đến thời điểm này, các Bộ Công Thương, Tài Chính và Kế hoạch và Đầu tư đang lên các phương án, xây dựng kịch bản đối phó với dịch bệnh Covid-19 có thể kéo dài hết quý 1 và sang quý 2/2020.
An Linh