Đã khó trăm bề, ô tô Việt lại khổ sở, điêu đứng vì Covid-19
(Dân trí) - Phụ thuộc nhập khẩu linh kiện, nên dịch Covid-19 đã khiến doanh nghiệp xe phải đương đầu với thách thức cực lớn là thiếu nguồn nguyên liệu, nguy cơ dừng hoạt động rất cao.
Nhiều hãng đóng cửa nhà máy, rút khỏi các thị trường
Gần đây, rất nhiều hãng xe lớn trên thế giới phải đóng cửa ở nhiều thị trường khác nhau, mới đây General Motor (GM) của Mỹ tuyên bố ngừng bán các mẫu xe Chevrolet tại Thái Lan và rút khỏi thị trường Đông Nam Á. Trước đó, năm 2018, GM Việt Nam cũng đã bán nhà máy cùng hệ thống phân phối cho VinFast.
Mới nhất, ngày 22/2, Honda Nhật Bản cũng thông báo sẽ ngừng sản xuất ô tô tại Philippines. Theo đó, nhà máy Honda tại Manila sẽ bị đình chỉ sản xuất. Honda cho biết, sẽ duy trì doanh số ở Philippines bằng việc chuyển đổi từ lắp ráp trong nước sang nhập khẩu.
Trong khi đó, năm 2019, hãng xe lớn thứ 3 của Nhật Bản là Nissan Motor cũng thông báo ngừng hoạt động sản xuất ô tô tại Indonesia và Việt Nam…
Trong khi đó, tại Việt Nam gánh nặng thuế nhập linh kiện và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe hơi đánh vào xe lắp ráp vốn đã yếu về quy mô, khó cạnh tranh về giá với xe nhập, khiến chi phí xe lắp ráp tại Việt Nam cao hơn Thái Lan, Indonesia 20%.
Ngành xe hơi Việt khổ sở, điêu đứng vì Covid-19
Mới đây, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, năm 2019, Việt Nam nhập khẩu gần 4 tỷ USD phụ tùng linh kiện ô tô, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc là 0,7 tỷ USD (17,54%), từ Hàn Quốc là 1,14 tỷ USD (28,57%) và từ Nhật Bản là 0,72 tỷ USD (18,04%).
Riêng ngành sản xuất ô tô tải phụ thuộc vào hơn 70% linh phụ kiện từ Trung Quốc.
Các dòng xe du lịch có linh kiện được nhập khẩu từ nhiều quốc gia để tiến hành lắp ráp, tuy nhiên những quốc gia này hoặc đang bùng phát dịch bệnh (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) hoặc vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc để sản xuất linh kiện xuất khẩu sang Việt Nam (Ấn Độ, các quốc gia Đông Nam Á).
Dự kiến đến cuối quý I/2020, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ việc thiếu hụt nguồn linh phụ kiện phục vụ sản xuất...
Hàng loạt chính sách giải cứu xe nội
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 17/2020/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 116/2017/NĐ-CP về điều kiện nhập khẩu, kinh doanh và sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam, hàng loạt đề xuất, chính sách được đưa ra.
Trong đó, Bộ Công Thương có đề xuất Bộ Tài chính không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện xe hơi sản xuất trong nước. Đồng thời, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại xe điện, xe xanh.
Bên cạnh đó, năm 2020, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi một số chính sách thuế nhập khẩu linh kiện tại Nghị định 125 trước đây.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất sẽ cắt giảm thuế suất, thuế nhập khẩu linh kiện ô tô cho các doanh nghiệp Việt có cam kết sản xuất sản lượng chung, riêng tối thiểu theo đúng cam kết.
Nếu được đề xuất và Chính phủ, Quốc hội thông qua, năm 2020 và năm 2021 sẽ là năm sửa đổi lớn nhất chính sách luật cho ngành xe hơi Việt Nam.
Ford Explorer giảm 269 triệu đồng: Chơi tất tay hay thay đời ?
Thông tin xe sang của Ford nhập về Việt Nam là Explorer bán ra với giá 1,940 tỷ đồng, giảm gần 270 triệu đồng gây rúng động làng xe Việt.
Với việc giảm giá mạnh, khả năng cạnh tranh của Ford Explorer với các đối thủ như BMW, Mercedes, Audi, hay VinFast, Volvo… rất mạnh. Mẫu Explorer 2020 đã xuất hiện tại Mỹ và có thể về Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ việc giảm giá mạnh của dòng xe này là bước đệm để thay đời, giải phóng xe hàng tồn như rất nhiều mẫu xe, hãng xe từng làm với người tiêu dùng Việt Nam.
Mùa dịch xe cũ bán phá giá, 7 chỗ giá chỉ 600 triệu đồng
Khá nhiều mẫu xe cũ từ 5 đến 7 chỗ có giá chỉ dưới 600 triệu đồng , mức giá nhiều người đang quan tâm hiện nay. Đáng nói là các mẫu xe trên của các thương hiệu lớn, đời khá mới chỉ qua 3-7 năm sử dụng.
Dịch viêm phổi cấp Covid-19 đang khiến nhiều đại lý xe hơi cũ lâm bước đường cùng vì nhu cầu xe đi lại thấp chưa từng thấy. Nhiều giải pháp đã được tính đến như bán online qua website, quảng cáo Facebook, Zalo hay chào hàng qua các mối chuyên săn xe cho taxi, xe Grab hay hội bán xe cho thuê.
"Nhu cầu khan hiếm" là cụm từ được nhiều dân buôn xe nhắc đến, đây là lo sợ của giới buôn xe cũ bởi chu chuyển dòng tiền mua vào, bán ra chính là điểm tạo lợi nhuận của họ, nay không còn.
Doanh nghiệp xe Việt “chầu rìa” miếng bánh tỷ đô xuất linh kiện
Thống kê năm 2019, giá trị xuất khẩu mặt hàng linh kiện, phụ tùng ô tô đạt 5,6 tỷ USD, song phần lớn doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam được hưởng, doanh nghiệp nội chỉ được vài %.
Về xuất xứ, Việt Nam xuất linh kiện, phụ tùng ô tô sang 14 quốc gia, vùng, lãnh thổ, trong đó lớn nhất là kim ngạch mặt hàng linh kiện xuất sang Nhật với 2,6 tỷ USD, Mỹ 1,68 tỷ USD, tiếp đến là Thái Lan 396 triệu USD, Hàn Quốc 384 triệu USD, Singapore 342 triệu USD, Trung Quốc hơn 288 triệu USD, Canada hơn 268 triệu USD...
Đáng chú ý, hiện kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng linh kiện phụ tùng ô tô vẫn phần lớn là của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, chỉ tỷ lệ rất nhỏ là giá trị của doanh nghiệp Việt.
Nếu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu linh kiện của Việt Nam đạt 5,6 tỷ USD, riêng các doanh nghiệp FDI chiếm 5,1 tỷ USD (chiếm 91% kim ngạch); chỉ còn 500 triệu USD là kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Việt.
Năm 2018, giá trị mặt hàng này xuất được 4,9 tỷ USD, doanh nghiệp ngoại cũng chiếm 4,6 tỷ USD, chiếm trên 93%; năm 2017, kim ngạch mặt hàng này là 4,4 tỷ USD thì doanh nghiệp ngoại đóng góp 4,2 tỷ USD, chiếm trên 95%; năm 2016 giá trị xuất đi là 3,7 tỷ USD, thì doanh nghiệp ngoại chiếm 3,6 tỷ USD, tỷ lệ chiếm 97%...
An Linh (tổng hợp)