1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Hơn 15.000 tỷ đồng được ngân hàng rót cho chuyển đổi số

Thảo Thu

(Dân trí) - Đến cuối năm 2022, ngành ngân hàng đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số. Gần 75% người Việt Nam trưởng thành đã có tài khoản ngân hàng.

Gần 75% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng

Tại sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng 18/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhận định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược và là vấn đề mới, khó, phức tạp. Do đó, ông cho rằng cần tiếp thu những thành tựu, kinh nghiệm quốc tế và vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.

Phó Thủ tướng nhắc lại việc quan trọng là không phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Thông tin tại sự kiện, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết nhiều ngân hàng có hơn 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập xuống ngưỡng 30%.

"Đáng chú ý, khoảng 74,6% người trưởng thành đã có tài khoản ngân hàng. Có 3,71 triệu tài khoản Mobile Money đã được mở, trong đó hơn 70% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa", Thống đốc nói.

Hơn 15.000 tỷ đồng được ngân hàng rót cho chuyển đổi số - 1

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tại sự kiện sáng 18/5 (Ảnh: SBV).

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2022, ngành ngân hàng đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số và đã đưa Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu với tỷ lệ tăng trưởng 40% về thanh toán số trong vài năm trở lại đây.

Đến nay, có tới 96% ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số và có 92% ngân hàng đã phát triển dịch vụ ứng dụng trên Internet và Mobile.

Ngân hàng gặp thách thức gì khi chuyển đổi số?

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), các quy định pháp lý hiện hành về giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, chứng từ điện tử, việc định danh và xác thực khách hàng điện tử, việc chia sẻ dữ liệu và bảo mật thông tin khách hàng... còn cần phải rà soát, điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh mới.

Ngoài ra, hiện cũng chưa có sự đồng bộ và chuẩn hóa của cơ sở hạ tầng giữa các ngành, lĩnh vực để tạo điều kiện thuận tiện nhất cho việc kết nối, tích hợp tạo lập hệ sinh thái số.

Liên quan đến bố trí nguồn lực phục vụ chuyển đổi số, ông Tuấn nhấn mạnh chuyển đổi số đòi hỏi vốn đầu tư, chi phí lớn. Hiện ngành ngân hàng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, có kinh nghiệm, kiến thức cả về nghiệp vụ và công nghệ số.

Thách thức cuối cùng và là trở ngại lớn nhất cho công cuộc chuyển đổi số ngành ngân hàng hiện nay, theo lãnh đạo Vụ Thanh toán là xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ với những thủ đoạn mới ngày càng tinh vi, khó lường, gia tăng rủi ro an ninh mạng và vẫn còn một bộ phận người dân có tâm lý e ngại khi tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán trên nền tảng số.

Hiện nay, tội phạm lợi dụng hoạt động thanh toán cho các hoạt động bất hợp pháp xảy ra trong nhiều ngành, lĩnh vực (cờ bạc, lừa đảo, gian lận thương mại, trốn thuế, ma túy, mại dâm…).

Tuy nhiên, hoạt động thanh toán chỉ là khâu cuối cùng để hoàn tất một giao dịch mua bán hàng hóa dịch vụ; việc quản lý và xác định tính hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, ngành có chức năng quản lý nhà nước đối với hàng hóa, dịch vụ đó.

Trên thực tiễn, ngành ngân hàng không thể xác định tính hợp pháp của các hàng hóa, dịch vụ để có thể thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn phù hợp; do đó, cần có sự phối hợp, cung cấp thông tin thường xuyên và chặt chẽ của các bộ, ngành có liên quan.