Hội An: Nhộn nhịp chợ tết Đoan Ngọ
(Dân trí) - Chiều 6/6 (tức mùng 4/5 âm lịch, tức tết Đoan Ngọ), người dân Hội An đã bắt đầu đổ về các chợ lớn nhỏ tại thành phố sắm sửa cúng tết Đoan Ngọ.
Tết Đoan Ngọ (tức mùng 5/5 âm lịch) hay còn gọi là tết diệt sâu bọ, là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng trong đó nhiều loài sâu có thể ăn được và chúng được coi như là chất bổ dưỡng.
Bánh ú tro đã trở thành món ăn truyền thống trong dịp tết Đoan Ngọ ở miền Trung và miền Nam Việt Nam. Bánh ú tro có nhiều tên khác nhau như bánh ú, bánh giò và bánh âm. Người ta làm bánh bằng gạo đã ngâm từ nước tro đốt bằng củi các loại cây khô hay rơm, gói trong lá chuối. Bánh tro dễ ăn, dễ tiêu làm mát ruột, thường ăn với đường hoặc mật. Người ta thường bán từ 15.000-20.000 đồng/chục 10 cái
Nhiều người tắm nước lá mùi để phòng bệnh và tẩy trừ “sâu bọ”. Nhiều địa phương ở ven biển đúng giờ ngọ đi tắm biển. Tại vì ngày này, theo quan niệm dân gian khí dương mạnh nhất trong năm, người ta cúng lễ để cầu an. Cũng theo quan niệm đó, các loại cây lá hái trong thời gian này có tác dụng chữa bệnh tốt nhất nên người dân thường lên núi hái thuốc. Các loại lá thuốc Nam được bó và bán theo bó, giá từ vài ngàn đồng/bó cho các loại thông thường, các loại khó tìm thì giá từ 15.000-30.000 đồng/bó
Các loại trái cây, hoa cũng tăng giá hơn thường ngày. Vải giá từ 50.000-60.000 đồng/kg, các loại trái cây khác có giá tăng từ 5.000-7.000 đồng/kg so với ngày thường…
Ngày này loại thịt người ta thường dùng thịt vịt; vịt sống có giá khoảng 140.000 -160.000 đồng /con, vịt đã được làm sạch có giá vào khoảng 170.000 – 200.000 đồng/con
Bà Lê Thị Sương (phường Cẩm Nam, Hội An) cho biết: “Nhân dịp tết Đoan Ngọ, giữ lệ mùng 5, tuy không vào bếp nấu nướng, tôi vẫn đến chợ mua đồ làm lễ cũng để có chút không khí. Các loại vật phẩm như vải, bánh ú tro, chè… được mua để bày bán trên bàn thờ tổ tiên. Ngoài ra, tôi cũng mua rất nhiều lá mùng 5 để Chính Ngọ ngày mùng 5 đem ra phơi để dành uống”
C. Bính - N. Linh