Hội An: "Chợ âm phủ" đìu hiu, người bán mỏi mắt ngóng trông... khách!
(Dân trí) - Sức mua các mặt hàng vàng mã, hoa quả, đồ chay… phục vụ rằm tháng 7 âm lịch năm nay ở Hội An giảm hơn 50% so với mọi năm. Người bán mỏi mắt mong chờ, người mua chi tiêu “dè dặt”.
Ngày 1/9 (tức ngày 14/7 âm lịch) tại chợ Hội An, người đi chợ không nhiều, hầu hết mọi người đều thực hiện đeo khẩu trang.
Nếu như thời điểm này mọi năm, để chuẩn bị cho ngày rằm tháng 7, người bán vàng mã tại các chợ Hội An bán hàng không kịp nghỉ thì năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, tiêu thụ của mặt hàng này giảm mạnh.
Những người bán đồ lễ thắp hương đều khẳng định, tình hình kinh doanh các sản phẩm gặp khó khăn kể từ khoảng tháng 3 khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, mức suy giảm từ 50-70%. Khách hàng chỉ mua tiền vàng, bộ quần áo đặc trưng chứ không mua nhiều như trước.
Bà Nguyễn Thị Nga - tiểu thương hàng vàng mã tại chợ Hội An - cho biết, sức mua năm nay giảm hơn 50% so với mọi năm. Mức chi tiêu cao nhất của khách là khoảng 200.000 đồng, họ thường mua những thứ đặt trưng như tiền vàng, quần áo chứ không chi nhiều.
“Chúng tôi tranh thủ bán được 2 ngày 13 và 14 âm lịch, chứ ngày thường thì ngồi chơi thôi. Không riêng gì vàng mã, các mặt hàng khác cũng trong tình trạng ế ẩm” - bà Nga nói thêm.
Theo các tiểu thương, sở dĩ sức mua giảm mạnh là do ảnh hưởng dịch Covid-19, các nhà hàng, khách sạn… đều đóng cửa nghỉ dịch, người dân đa phần làm du lịch giờ cũng thất nghiệp, họ chi tiêu dè dặt hơn.
Do tục lệ cúng rằm tháng 7 lễ Vu Lan là truyền thống của người Việt nên các mặt hàng vàng mã mới bán được ít, không thì cũng “ế chỏng chơ”.
Bên cạnh vàng mã, các mặt hàng hoa, quả hay đồ chay cũng chịu chung cảnh đìu hiu. Giá các loại trái cây, hoa cúng cũng tăng nhẹ thêm từ 4.000 - 6.000 đồng, nhưng sức mua giảm mạnh.
Chị Lê Thị Oanh - tiểu thương quầy hoa quả chợ Hội An chia sẻ: “Mọi năm các mặt hàng trái cây tôi cung cấp cho khách sạn, nhà hàng… bán không xuể. Nhưng năm nay do ảnh hưởng dịch Covid-19, trái cây ế ẩm. Cứ tưởng rằm tháng 7 bán được thêm nhưng cũng đìu hiu. Khách chỉ mua vài loại đặc trưng để mâm chính thôi, chứ không mạnh tay như mọi năm”.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người dân phải tiết kiệm hơn, lòng thành dâng lên tổ tiên vẫn ở những sản vật xuất phát từ tâm chứ không phụ thuộc vào giá trị.