1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Học tập Hải Phòng, TP.HCM dự thu 2.700 tỷ đồng phí hàng hóa qua cảng

Quốc Anh

(Dân trí) - Năm 2019, sản lượng hàng hóa qua cảng biển TP.HCM đạt 170 triệu tấn, vượt dự báo của năm 2030. Nếu áp dụng mức thu phí của TP.Hải Phòng thì số thu dự kiến của TP.HCM là 2.700 tỷ đồng mỗi năm.

Đó là con số đáng chú ý trong báo cáo của Sở Giao thông vận tải TP.HCM về chủ trương triển khai xây dựng Đề án thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển TP.HCM.

Kết quả có được là sau khi tổ công tác của TP.HCM tổ chức học tập kinh nghiệm của TP.Hải Phòng (địa phương đầu tiên thu phí hạ tầng cảng biển).

Học tập Hải Phòng, TP.HCM dự thu 2.700 tỷ đồng phí hàng hóa qua cảng - 1

Phương tiện qua nút giao thông Mỹ Thủy để ra, vào cảng Cát Lái 

Theo tổ công tác, cảng Hải Phòng là cảng biển tổng hợp cấp quốc gia loại 1A, lớn nhất miền Bắc với 47 bến cảng, gần 100 cầu cảng kết nối với khoảng 260km đường đô thị để chở hàng hóa tới các dịch vụ kho bãi (logistics). Hàng hóa xuất nhập khẩu phần lớn di chuyển qua khu vực nội đô.

Mỗi ngày trung bình có từ 20.000 - 40.000 lượt xe vận tải hàng hóa sử dụng các tuyến đường của thành phố ra, vào các càng biển. Sản lượng hàng hóa vận tải bằng đường bộ chiếm tới 78% tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển.

TP. Hải Phòng thu phí sử dụng hạ tầng công trình, dịch vụ từ 16.000 - 50.000 đồng cho một tấn hàng lỏng, hàng rời; từ 250.000 đồng đến 2,2 triệu đồng cho một container tùy loại.

Trong khi đó, TP.HCM có vị trí địa lý cảng biển tương đồng TP. Hải Phòng, riêng về hàng hóa qua cảng biển gấp 2 lần Hải Phòng. 

Các khu bến cảng nằm dọc theo sông từ phía Đông xuống Nam (sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Nhà Bè, sông Soài Rạp) trải dài qua nhiều quận huyện (9, 2, 4, 7, Nhà Bè), nhiều tuyến đường chính và đường nhánh dài hơn 80km.

Tính đến nay, sản lượng hàng hóa qua cảng biển của TP.HCM đều đã vượt quá mức dự báo của Bộ Giao thông vận tải, sản lượng thực tế của năm 2019 (170 triệu tấn) vượt sản lượng dự báo năm 2030 (160 triệu tấn).

Hệ thống kết cấu giao thông đường bộ của thành phố đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động lưu thông hàng hóa. Mỗi ngày có khoảng 26.000 lượt xe chở hàng hóa sử dụng các tuyến đường của thành phố để ra vào cảng khiến ùn tắc giao thông thường xuyên (nhất là khu vực cảng Cát Lái).

Sở Giao thông vận tải đánh giá: đây là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế của TP.HCM mặc dù trong những năm qua TP đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng hệ thống các trục đường kết nối cảng biển.

Vì vậy, để có vốn hoàn thiện kết cấu hạ tầng kết nối cảng biển, giảm bớt tình trạng ùn tắc giao thông, mang lại lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và người dân trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, việc thu phí sử dụng công trình, dịch vụ tại khu vực cửa khẩu cảng biển ở thành phố phù hợp về địa lý và cơ sở pháp lý. 

Học tập Hải Phòng, TP.HCM dự thu 2.700 tỷ đồng phí hàng hóa qua cảng - 2

Cảng Cát Lái hiện là cảng lớn và hiện đại nhất Việt Nam, với khoảng 80% lượng container hàng hóa tại khu vực TPHCM lưu thông qua đây. Trong ảnh: xe qua hầm chui Mỹ Thủy vào cảng Cát Lái

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, với lượng hàng hóa năm 2019 hơn 170 triệu tấn, nếu thu phí 16.000 đồng mỗi tấn (hàng lỏng, hàng rời) như Hải Phòng, dự kiến mỗi năm TP.HCM thu hơn 2.700 tỷ đồng. Đây là số thu không nhỏ dành cho đầu tư, cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông kết nối cảng biển.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong giao Sở Giao thông vận tải hoàn thành đề án thu phí cảng biển để kịp thời trình HĐND TP.HCM vào kỳ họp cuối năm.

Mới đây, Sở Giao thông vận tải đã gửi tờ trình đề án thu phí cảng biển lên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố để tổ chức lấy ý kiến, trước khi trình HĐND TP.HCM. 

Nếu được thông qua, việc thu phí sẽ bắt đầu từ tháng 5/2021 tại cảng Cát Lái để đánh giá, rút kinh nghiệm và áp dụng thu phí cho toàn bộ cảng thành phố từ tháng 6/2021.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm