Hoạt động bán nợ xấu sẽ sôi động nửa đầu 2014

(Dân trí) - Trước sức ép của Thông tư 02 bắt đầu có hiệu lực ngày 1/6/2014, dự kiến, hoạt động mua bán nợ xấu sẽ diễn ra sôi nổi hơn và với qui mô lớn hơn vào nửa đầu năm tới, tuy nhiên, vẫn chưa thể đánh giá hiệu quả của VAMC ở thời điểm hiện tại.

Hoạt động bán nợ xấu sẽ sôi động nửa đầu 2014
 Khoảng 60% các quỹ đầu tư ngoại cho biết quan tâm tới việc mua bán tài sản nợ xấu tại Việt Nam.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Quốc hội Đức tái bầu bà Angela Merkel làm thủ tướng

 
 

Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đã chính thức được thành lập vào ngày 9/7/2013 theo tinh thần của Nghị định 53/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên đến tháng 9 một số quy định cụ thể về hoạt động của tổ chức này mới được ban hành, bao gồm Thông tư 19/2013/TT-NHNN (về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC) và Thông tư số 20/2013/TT-NHNN (quy định về cho vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của VAMC).

 

Đáng chú ý là vừa qua, Thủ tướng quy định mức lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của VAMC thấp hơn 2%/năm so với mức lãi suất tái cấp vốn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trong từng thời kỳ. Như vậy, các TCTD có thể sử dụng trái phiếu đặc biệt của VAMC để vay tái cấp vốn với lãi suất 5%/năm, tương đương với mức lãi suất vay tái chiết khấu bằng các loại giấy tờ có giá khác còn thời hạn thanh toán thuộc sở hữu của các NHTM.

 

Trong báo cáo vĩ mô mới phát hành, CTCK Vietcombank (VCBS) đánh giá, đây có thể xem như tín hiệu cho thấy ngân hàng bán nợ có thể tiếp cận được vốn giá rẻ để giải quyết nhu cầu thanh khoản nếu có nhu cầu phát sinh, hoặc dùng vốn để đầu tư vào các kênh có khả năng sinh lời tốt hơn. Tính thanh khoản của trái phiếu đặc biệt cũng nhờ đó tăng theo và các ngân hàng có thể có nhiều hơn động lực bán nợ xấu cho VAMC.

 

VAMC dự kiến số nợ xấu được mua từ giờ đến cuối năm đạt khoảng 35.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 18% tổng nợ xấu. Tính đến chiều 26/11, VAMC đã mua trên 18.000 tỷ đồng nợ gốc của 21 ngân hàng, tương đương 14.700 tỷ đồng giá trị trái phiếu đặc biệt.

 

VCBS cho rằng, việc mua bán nợ xấu sẽ diễn ra sôi nổi hơn và với qui mô lớn hơn vào nửa đầu năm 2014 do 1/6/2014 là thời điểm áp dụng Thông tư 02 về việc phân loại nợ theo hướng chặt chẽ hơn. Việc mua nợ xấu được đánh giá chỉ là bước đầu tiên trong cả quá trình giải quyết nợ xấu. Vấn đề mấu chốt vẫn nằm ở việc VAMC có thể xử lý (bán, tái cơ cấu) các khoản nợ xấu này sau đó hay không, và thời gian xử lý là nhanh hay chậm.

 

Theo nhóm phân tích từ VCBS, hiện tại, vẫn còn một số rào cản đối với việc đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu. Trong đó, bên cạnh việc một số ngân hàng có thể không muốn bán nợ xấu cho VAMC, nút thắt đối với khả năng xử lý nợ xấu của VAMC còn nằm ở vấn đề thu hồi khoản nợ đã mua.

 

Kỳ vọng ban đầu của VAMC là các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tham gia vào và tạo tính thanh khoản cho thị trường mua bán nợ. Có thể thấy, sự quan tâm của quỹ ngoại đối nợ xấu là đáng kể khi các nhà đầu tư nước ngoài có nhiều cuộc tiếp xúc, tìm hiểu thông tin với VAMC và theo một khảo sát của Công ty Kiểm toán và tư vấn Grant Thornton, khoảng 60% các quỹ đầu tư ngoại được hỏi cho biết họ quan tâm tới việc mua bán tài sản nợ xấu tại Việt Nam.

 

Tuy nhiên, VCBS đánh giá, sự thiếu minh bạch về thông tin cũng như thiếu hành lang pháp lý đang khiến cho dòng tiền ngoại chưa thể tham gia vào thị trường mua bán nợ xấu ở Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài quan ngại liệu các thông tin, đánh giá có được chuyển giao đầy đủ cùng với khoản nợ hay không. Nếu thiếu các dữ liệu cần thiết, việc định giá để mua bán sẽ không được thực hiện chính xác.

 

Thêm nữa, khung pháp lý cho nhà đầu tư mua nợ xấu có thể thanh lý được đối với tài sản đảm bảo là bất động sản vẫn chưa rõ ràng, ví dụ như quy định người nước ngoài không được sở hữu tài sản đất đai ở Việt Nam mà chỉ được thuê. Do vậy, theo VCBS, việc đánh giá hiệu quả của VAMC tại thời điểm hiện tại là chưa có cơ sở rõ ràng.

 

Mai Chi
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước