Những việc TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu thống nhất trước sáp nhập
(Dân trí) - TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đã thống nhất tên gọi 168 phường, xã mới để tránh trùng lặp. Các địa phương cũng thống nhất phương án đặt trụ sở của đơn vị hành chính mới sau khi sáp nhập.
Chiều 17/4, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Võ Ngọc Quốc Thuân thông tin về công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp của thành phố. Theo phương án dự kiến, TPHCM giảm từ 273 xã, phường, thị trấn xuống còn 102 phường, xã.
Tỉnh Bình Dương dự kiến giảm từ 91 phường, xã, thị trấn xuống còn 36 phường, xã; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giảm từ 77 phường, xã còn 30 phường, xã, đặc khu. Sau khi sắp xếp TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, đơn vị hành chính mới sẽ có 168 đơn vị hành chính cơ sở.
"Tuần qua, Ban Tổ chức Thành ủy, Tỉnh ủy, Sở Nội vụ của 3 địa phương đã ngồi lại và thống nhất nhiều vấn đề. Trong đó, 3 tỉnh, thành đã thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc sắp xếp đơn vị hành chính, giải quyết các vấn đề về chồng lấn ranh", ông Võ Ngọc Quốc Thuận thông tin.

Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Võ Ngọc Quốc Thuận thông tin về sắp xếp đơn vị hành chính (Ảnh: Q.Huy).
TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã thống nhất tên gọi của 168 phường, xã để tránh trùng lặp. Ngoài ra, bản đồ TPHCM mới sau sáp nhập cũng được thống nhất để trình Bộ Nội vụ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi Quốc hội quyết định thông qua.
TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu cũng phối hợp, trao đổi, thông tin, gắn kết trong việc xây dựng nội dung đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, đề xuất phương án sử dụng tài sản công, bố trí trụ sở hành chính, nguồn nhân lực. Hiện tại trụ sở chính trị - hành chính của đơn vị hành chính mới sẽ đặt tại TPHCM và có thêm 2 cơ sở tại Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Việc này nhằm ổn định bộ máy thời kỳ đầu sắp xếp. Sau đó, trong quá trình thực hiện, các cơ quan sẽ nghiên cứu, đề xuất các phương án phù hợp.
Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM lần thứ 39, khóa XI, diễn ra ngày 15/4, Thành ủy đã thông qua phương án sắp xếp 273 phường, xã, thị trấn hiện hữu còn 102 đơn vị hành chính cấp xã mới. Trong đó, 78 đơn vị hành chính là phường và 24 đơn vị hành chính là xã.
Số lượng biên chế cần bố trí là 6.120 người. Trong đó, mỗi phường, xã có 60 biên chế. Dự kiến sau sắp xếp, TPHCM có 11.015 nhân sự dôi dư, gồm 5.453 người thuộc biên chế và 5.562 người hoạt động không chuyên trách tại xã, phường.
Theo dự thảo đề án sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh, TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ thực hiện sáp nhập. Đơn vị hành chính mới là TPHCM, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đơn vị hành chính mới hình thành trên cơ sở thực hiện song hành nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, đơn vị hành chính cấp cơ sở. Sau sắp xếp, TPHCM sẽ tổ chức thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, phát huy tiềm năng, lợi thế của 3 tỉnh, thành về diện tích đất đai, quy mô dân số, các kết quả tăng trưởng kinh tế, phấn đấu là cực tăng trưởng mới của cả nước và vùng Đông Nam Bộ.
TPHCM sau sắp xếp, sáp nhập sẽ có diện tích hơn 6.700km2, quy mô dân số hơn 13,7 triệu người, hình thành siêu đô thị mới của vùng Đông Nam Bộ.