1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

TP.HCM:

“Hô biến” nhớt phế thải thành dầu diesel

(Dân trí) - Thu mua nhớt phế thải từ nhiều tiệm sửa xe khác nhau, một cơ sở sản xuất nằm tại khu vực vùng ven TP.HCM đã chế tạo loại nhớt “bẩn” này cùng với vài phụ gia khác để tạo thành dầu diesel thành phẩm, đóng phuy bán ra thị trường.

Một điểm sản xuất dầu nhớt “bẩn” từng bị phát hiện, kiểm tra trước đó
Một điểm sản xuất dầu nhớt “bẩn” từng bị phát hiện, kiểm tra trước đó

Sau khi nhận được nhiều nguồn tin mật báo, Đội Quản lý thị trường (QLTT) huyện Củ Chi thuộc Chi cục QLTT TP.HCM đã phối hợp với Phòng Tài nguyên môi trường, công an xã đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất dầu diesel đóng tại đường Đất Đỏ gần kênh Thầy Cai (ấp Thượng, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi).

Thời điểm Đoàn kiểm tra, phát hiện có 5 công nhân đang làm việc bên trong khuôn viên nhà xưởng rộng trên 3.000m2. Đại diện cơ sở này đã không xuất trình được giấy phép kinh doanh, không thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, không có nhãn hàng hóa. Dầu diesel thành phẩm được đóng vào các thùng phuy loại 200 lít rồi bán ra thị trường.

Mở rộng kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nguyên vật liệu chế biến loại diesel này chủ yếu từ nhớt phế thải. Số nhớt này được mua về rồi pha chế với vài loại phụ gia khác để tạo thành dầu diesel. Qua kiểm tra, tất cả nguyên liệu, hóa chất phụ gia để sản xuất đều không có hóa đơn chứng từ.

Hiện QLTT huyện Củ Chi đã tạm giữ 80.600 lít nguyên liệu nhớt phế thải dùng để sản xuất dầu; 403 phuy (loại 200 lít/phuy) và 21.800 lít dầu diesel thành phẩm và bán thành phẩm; 39 máy bơm và 552 kg hóa chất dùng để pha vào dầu có xuất xứ nước ngoài.

Trước đó, lực lượng chức năng quận 12 cũng đã phát hiện một điểm sản xuất nhớt “bẩn” tại một căn nhà không số rộng khoảng 32m2 nằm trên đường Tô Ngọc Vân, khu phố 5, phường Thạnh Xuân (quận 12).

Thời điểm Công an kinh tế quận 12 ập vào cơ sở này chỉ có Lê Nam Bình (27 tuổi, quê Lâm Đồng) đang ở bên trong. Bình khai báo chỉ là người làm công và mới vào làm được 3 ngày, chủ cơ sở đi đâu không rõ. Tại hiện trường, nhiều thùng phi nhớt, một máy bơm (loại nhỏ) dùng để hút nhớt từ các phuy ra đưa vào bồn chứa rồi trộn với các loại nhớt không đạt chất lượng được thu mua từ nhiều địa bàn.

Khu vực sản xuất nhớt “lậu” khá bẩn, với vài dụng cụ thô sơ
Khu vực sản xuất nhớt “lậu” khá bẩn, với vài dụng cụ thô sơ

Sau đó, loại nhớt mới được “pha chế” này sẽ theo đường ống dẫn vào 4 vòi xả. Từ đó sẽ đóng vào các vỏ bình loại 0,8 lít mang thương hiệu của các hãng nhớt xe máy nổi tiếng trên thị trường. Quan sát khu vực dùng để “sản xuất” nhớt rộng khoảng 9m2, các dụng cụ dùng để pha chế khá thô sơ. Dưới nền đất, các loại nhớt thải “đen như nước cống” chảy lai láng.

Kiểm tra căn phòng rộng khoảng 32m2, tổ kiểm tra phát hiện hơn 5.000 bình nhớt thành phẩm được đóng trong các thùng carton mang nhãn hiệu Yamaha (Yamalube) và Honda (Genuine Oil); 4.338 vỏ bình mang các nhãn hiệu trên; 103 kg tem; 760kg thùng carton…

Phúc Yên