Hiệu thuốc từ chối bán, phủ nhận tin "thuốc sốt rét chống dịch COVID-19"
Nhiều hiệu thuốc trên địa bàn Hà Nội đang từ chối bán thuốc trị sốt rét cho người không có đơn thuốc do bác sĩ kê sau khi loại thuốc này bị đẩy giá lên cao nhiều lần trước thông tin sai lệch liên quan tới việc chống dịch COVID-19.
Nhiều hiệu thuốc trên địa bàn Hà Nội đang từ chối bán thuốc trị sốt rét cho người không có đơn thuốc do bác sĩ kê sau khi loại thuốc này bị đẩy giá lên cao nhiều lần trước thông tin sai lệch liên quan tới việc chống dịch COVID-19.
Những ngày qua, nhiều người truyền tai nhau thông tin việc thuốc trị sốt rét (chứa hoạt chất chloroquine và hydroxychloroquine) có khả năng phòng - chống dịch COVID-19.
Nhiều hiệu thuốc cho biết loại thuốc này bất ngờ bất ngờ bị nhiều người mua gom khiến giá tăng cao gấp nhiều lần.
Chủ một hiệu thuốc trên đường Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân, Hà Nội) nói: "Cửa hàng của tôi hết thuốc đó rồi. Không phải chỉ hiệu thuốc của tôi mà hiệu khác quanh đây cũng hết. Bán rẻ thì người ta mua gom lấy hết rồi mà giờ nhập vào giá quá cao.
Giá thuốc lên cao từ thứ 7 tuần trước (ngày 21.3 - PV). Ngay khi xuất hiện thông tin này tôi đã biết thuốc này sẽ bị đẩy giá nhưng không ngờ nó bị đẩy cao như vậy. Từ mấy chục nghìn giờ giá bị đẩy lên đến mấy trăm nghìn rồi".
Trước "trào lưu" mua gom thuốc để "dự phòng" một cách mù quáng của nhiều người, các hiệu thuốc bắt đầu thắt chặt việc bán thuốc sốt rét cho người dân.
Trong vai người cần mua thuốc trị sốt rét, PV báo Lao Động đã có cuộc khảo sát với nhiều cửa hàng thuốc trên địa bàn Hà Nội.
Ngay khi phóng viên đặt vấn đề mua thuốc, nhiều chủ nhà thuốc đã đưa ra những cảnh báo và đính chính tin đồn. Chủ một tiệm thuốc trên đường Láng Hạ (Đống Đa - Hà Nội) khẳng định: "Không nên mua dự trữ lúc này đâu em nhé. Giá thuốc hiện đang bị đẩy lên rất cao. Chị không có hàng đâu, nhưng khuyên em là không nên nghe tin đồn mà đi mua dự trữ làm gì hết".
"Em mua làm gì, đừng nghe trên mạng. Vừa hôm qua có trường hợp ngộ độc do uống 15 viên thuốc sốt rét ngừa COVID-19 rồi kìa", một chủ cửa hàng trên đường Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) nói.
Nhiều cửa hàng khác khẳng định không thiếu hàng nhưng nếu muốn mua phải có đơn thuốc chỉ định của bác sĩ.
"Thuốc đó cửa hàng chị có, nhưng phải bán theo đơn của bác sĩ. Còn nếu nghe theo thuốc đấy ngừa COVID-19 là không đúng đâu nhé. Thời gian qua rất nhiều người bị ngộ độc thuốc này rồi. Trường hợp cần thiết thì hãy đến đây, nhà thuốc vẫn đầy đủ thuốc bán cho dân, với mức giá đúng của nó", chủ một hiệu thuốc trên đường Trung Kính (Trung Hòa - Cầu Giấy) nói.
Trao đổi với PV Lao Động, bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Xanh Pôn) cho biết, hydroxychloroquine và chloroquine là 2 thuốc “anh em”. Lí do là bởi nó giống nhau về công thức hóa học cơ bản, chỉ khác biệt là hydroxychloroquine có thêm nhóm chức phụ (-OH) làm cho thuốc dễ ion hóa hơn.
Hai thuốc này được sử dụng để điều trị các bệnh như sốt rét, lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp. Theo bác sĩ Phúc, thông tin này không những chỉ lan truyền ở Việt Nam mà còn ở nước ngoài. Nhiều trường hợp không xác minh thông tin, sử dụng thuốc sai cách dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, thậm chí gây nguy hại đến tính mạng.
Theo ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, thuốc này chưa có chỉ định để điều trị COVID-19 do Bộ Y tế phê duyệt. Các thuốc chứa hoạt chất chloroquin/hydroxychloroquin là thuốc kê đơn chỉ được sử dụng khi có chỉ định, theo dõi và hướng dẫn của thầy thuốc.
Tự ý uống thuốc sốt rét chứa hoạt chất chloroquin/hydroxychloroquin có thể gây nguy hiểm đến tính mạng do thuốc có một số tác dụng phụ như làm nặng thêm bệnh nền sẵn có như vảy nến, thiếu men G6PD. Ở liều cao, thuốc này có thể gây độc cho mắt, tổn thương võng mạc, hại gan, thận, nguy cơ tử vong nhanh.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM và các bác sĩ cũng cảnh báo người dân tuyệt đối không mua tích trữ thuốc chloroquine.
Theo Phan Anh - Thuỳ Dung
Lao động