Hiệp hội vận tải kiến nghị thanh tra toàn bộ các dự án BOT đường bộ

(Dân trí) - "Còn bao nhiêu hiện tượng kiểu như BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, tôi nghĩ sau sự cố này cơ quan chức năng phải vào cuộc, kiểm tra tất cả các dự án BOT khác để trả lời thỏa đáng những nghi vấn bấy lâu cho dự luận, người dân và doanh nghiệp thời gian qua".

Câu hỏi, đồng thời là kiến nghị của ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam xung quanh việc Tổng cục đường bộ vừa công bố về Báo cáo giám sát thu phí tại BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ.

Kiểm toán độc lập cần vào cuộc

Trước đó, ngày 24/7 đoàn kiểm tra của Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) đã công bố kết quả giám sát thu phí tại Dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ từ ngày 10/7 đến ngày 20/7, số thu 10 ngày của hai trạm của dự án trên đạt 17,5 tỷ đồng (1,7 tỷ đồng/ngày), cao hơn nhiều so với báo cáo mà chủ đầu tư công bố trước đó. Điều này đặt nghi ngờ về những khuất tất cần được làm sáng tỏ.

Trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đang là tâm điểm dư luận sau khi chủ đầu tư bị chính liên doanh nhà đầu tư tố ăn gian thu phí
Trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đang là tâm điểm dư luận sau khi chủ đầu tư bị chính liên doanh nhà đầu tư tố ăn gian thu phí

Trao đổi với phóng viên Dân Trí, nhiều chuyên gia đồng tình với việc Tổng cục Đường bộ vào cuộc phân xử, song kiến nghị cơ quan này cần quyết liệt hơn. Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho rằng: Kết quả giám sát phần nào cho thấy thực tế và những gì mà một doanh nghiệp tham gia dự án tố cáo một liên doanh khác gian lận thu phí là có cơ sở. "Tuy nhiên, để làm rõ hơn, khách quan hơn, tôi nghĩ cần có cơ quan độc lập để đánh giá độc lập cho chính xác sự việc", ông này nói.

"Bây giờ mới là hai phía, một bên là phía Công ty Cienco 1 và một bên là Tổng cục đường bộ. Chúng tôi mong muốn có 1 bên giám sát khác, độc lập với các bên vào BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ để tiếp tục giám sát nhằm có những thông tin độc lập, chính xác và có độ tin tưởng cao cho người dân. Phải có cơ quan giám sát độc lập vào cuộc, sau đó kiểm toán tham gia. Chúng ta không thiếu cơ chế, con người làm được. Điều quan trọng là cơ quan quản lý có làm hay không. Còn rất nhiều dự án BOT thiếu minh bạch", ông Liên nêu quan điểm.

Cũng theo ông Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, mức chênh lệch thu thực tế so với báo cáo quá lớn thì phải xem động cơ ở đây là gì. "Các dự án đều có thất thoát, sai số nhưng đây là sự thất thoát nó quá lớn. Vì vậy muốn xử lý nghiêm phải có kiểm toán độc lập và làm gương cho các dự án BOT khác", ông Liên nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với ông Liên, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nói:" Chúng tôi không đứng về phía ai, nhóm nào trong việc này, làm đường tốt thì DN vận tải thuận tiện, nhưng không phải đường nào cũng làm BOT để thu phí, khiến thiệt hại cuối cùng là của người dân".

Theo Ông Nguyễn Văn Thanh, thời gian qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến các dự án BOT giao thông bởi tình trạng thiếu minh bạch, công khai vốn dự án, thu phí gây bức xúc dư luận; trào lưu tẩy chay các dự án giao thông mập mờ gia tăng.

“Chúng tôi, các cơ quan đại diện cho DN nêu rõ là, lo ngại nhất hiện nay là thu phí và thời gian thu phí bao lâu, số phí đó có được kiểm soát hay không. Nếu số phí đó không được công khai, kiểm soát thì không bao giờ chúng ta biết được dự án đó được thu phí đến năm nào", ông Thanh cho hay.

“Tại rất nhiều hội nghị tiếp cận với cơ quan quản lý, các chủ đầu tư BOT, chúng tôi nêu rõ: DN không ngại phí cao, nhưng chúng tôi cần biết nhà đầu tư bỏ bao tiền và thời gian thu phí bao nhiêu. Đây không chỉ là mong muốn của người dân mà còn là nguyện vọng của các DN. Đây là lúc ác dự án BOT cần phải được thanh kiểm tra một cách toàn diện hơn về cấp phép dự án, số vốn, chất lượng thi công, thời gian thu phí, công nghệ thu phí....” ông Thanh nói.

Thanh tra, giám sát toàn bộ dự án BOT

Thực tế, hiện có rất nhiều loại BOT trong đó có dự án mới, dự án cải tạo, nâng cấp. Tuy nhiên, thời gian thu phí và mức phí của các dự án này tương tự nhau. Các dự án cải tạo thường do liên doanh nhiều DN nhỏ cùng làm chủ đầu tư, điều này khiến BOT trở thành "miếng bánh" được nhiều DN khai thác.

Ông Bùi Danh Liên khẳng định: "Cái dở của BOT tại Việt Nam khiến người dân, DN sợ hãi chính là chúng ta phát triển ồ ạt, manh mún và thiếu quy hoạch, chiến lược. Đường nào cũng ngăn ra, vẽ ra làm BOT trong khi đó quản lý yếu kém (nhiều cơ quan cấp phép, thẩm định dự án nhưng thiếu hiệu quả, chồng lấn chức năng, vai trò; thiếu công nghệ thi công (điều này thấy rõ ở các dự án cải tạo, nâng cấp); và đặc biệt là gây bức xúc dư luận do thiếu minh bạch thu phí và lộ trình thu phí".

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, các nước đều có những cách làm để khắc chế việc thu phí sai, lạm thu bằng cách áp dụng công nghệ phí 1 dừng hoặc không dừng hoàn toàn tuyến cao tốc. Việt Nam có chủ trương song thời hạn thực hiện việc này còn chậm. Trong khi đó, các dự án BOT giăng đầy khắp các con đường, thậm chí cả tuyến đường liên huyện, liên tỉnh khiến giới vận tải cảm thấy rất khó thở.

Ông Thanh khẳng định: “Các vấn đề dư luận đặt ra hiện nay đó là khoảng cách các trạm thu phí có chuẩn không? Vốn đầu tư BOT của Việt Nam sao đắt hơn Mỹ, Nhật và cả các nước phát triển. Suất đầu tư cao, vốn lớn ảnh hưởng rất lớn đến năng suất của nền kinh tế. Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi sang công nghệ thu phí 1 dừng, không dừng bao giờ xong, và các DN có triển khai không; minh bạch thu phí đang như thế nào, có đáp ứng được kỳ vọng của dư luận không…”

Theo ông Bùi Danh Liên, dù đường của DN làm, vốn DN vay và đầu tư nhưng mối liên hệ ở đây là vốn đầu tư bao nhiêu, số phí thu được bao nhiêu sẽ ảnh hưởng đến thời gian thu phí. Nếu chủ đầu tư báo số phí thu ít đi, trong khi thực tế nhiều hơn, thì số tiền này họ làm gì, đi đâu. Báo thu ít thực tế, nếu không được phát hiện thì thời gian thu phí sẽ dài hơn, gánh nặng sẽ đè lên DN, người dân.

Nguyễn Tuyền