Đại biểu Quốc hội:

Bao nhiêu trạm BOT báo cáo sai sự thật như trạm Pháp Vân – Cầu Giẽ?

(Dân trí) - Dẫn chứng về số liệu báo cáo và thực tế thu phí tại các trạm thu phí BOT tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ vênh tới 800 triệu đồng/ngày, đại biểu Bùi Văn Phương đặt câu hỏi: “Đây mới là kiểm tra 1 trạm, vậy thì với các trạm khác sẽ ra sao? Nếu đối chiếu con số này với gần 60 tỉnh, thành có trạm thu phí BOT, mức phí cũng như thời gian thu phí là quá sức chịu đựng của người dân”.

Đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) - Ảnh: Quochoi.vn

Thảo luận tại hội trường ngày 25/7 về chuyên đề giám sát của Quốc hội trong thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng, rất cần thiết phải đưa chuyên đề này vào trong chương trình giám sát của Quốc hội năm 2017. Đặc biệt là những nội dung liên quan đến các trạm thu phí, mức phí và thời gian giảm phí…

Theo đánh giá của đại biểu, đây là vấn đề khiến người dân, dư luận bức xúc. Theo đánh giá của đại biểu Tô Văn Tám, đầu tư BOT, nhất là với đường cao tốc hiện nay, vẫn được thực hiện theo nguyên tắc đường cao tốc được đầu tư BOT là tài sản của chủ đầu tư, ai sử dụng phải trả tiền.

Người dân sử dụng dự án BOT hay không còn phụ thuộc vào tính tiện ích và quyền được lựa chọn của người dân. Tuy nhiên, theo đại biểu Tám, hiện nay ở nhiều nơi, người dân không có sự lựa chọn và gần như bắt buộc phải sử dụng đường cao tốc BOT mà không có bất kì sự lựa chọn nào khác.

“Cụ thể như gần đây, báo chí có nêu hiện tượng chủ đầu tư ngăn cản cầu, đường cũ để buộc người dân phải đi cầu, đi đường BOT, như thế là không công bằng, là không đảm bảo quyền tự do đi lại của người dân đã được Hiến pháp quy định. Điều này đang làm tăng thêm bức xúc trong nhân dân”, vị đại biểu phản ánh.

Ông Tám hy vọng, thông qua công tác giám sát của Quốc hội sẽ là cơ sở để tháo gỡ vấn đề này và minh bạch các vấn đề mà dư luận quan tâm lâu nay như: suất đầu tư, giá trị công trình, dự án; công tác thu phí; và có lợi ích nhóm hay không trong đầu tư BOT.

Theo đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên), đầu tư vào giao thông luôn là một lĩnh vực sử dụng kinh phí rất lớn. Giao thông luôn có vị trí vai trò hết sức quan trọng trong đời sống của xã hội.

“Thời gian qua, hình thức đầu tư các công trình giao thông theo hình thức BOT còn tương đối mới mẻ, do đó còn có nhiều lỗ hổng về mặt luật pháp. Điều này luôn được người dân hết sức quan tâm vì sử dụng và trả phí đều có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Vì thế nhất thiết lĩnh vực này cần phải được đưa vào chương trình giám sát của Quốc hội”, đại biểu tỉnh Phú Yên phát biểu.

Nêu quan điểm về vấn đề BOT, đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) cho ràng, các dự án BOT luôn phải đảm bảo tính công khai minh bạch; không có lợi ích cho một nhóm tạo áp lực lên nền kinh tế. Ông Phương nhận xét, năng lực lưu thông bị suy giảm vì có quá nhiều trạm thu phí.

“Nếu thu phí đúng người dân sẵn sàng chấp nhận nhưng thu phí không đúng người dân sẽ không chấp hành và phản đối”, vị đại biểu khẳng định.

Đại biểu Phương dẫn chứng, qua kiểm tra trạm thu phí Pháp Vân – Cầu Giẽ trong 10 ngày vừa qua đã cho thấy, con số báo cáo mức thu phí bình quân chỉ đạt 1,2 tỷ đồng/ngày, nhưng trên thực tế, trạm thu phí này đã thu được xấp xỉ 2 tỷ đồng/ngày, chênh lệch so với báo cáo gần 800 triệu đồng/ngày.

“Đây mới là kiểm tra 1 trạm, vậy thì với các trạm khác sẽ ra sao? Nếu đối chiếu con số này với gần 60 tỉnh, thành có trạm thu phí BOT, mức phí cũng như thời gian thu phí là quá sức chịu đựng của người dân”, đại biểu Phương không khỏi lo ngại.

Theo thống kê, hiện tại trên cả nước có 96 trạm thu phí BOT, quy hoạch đến năm 2020 sẽ tăng lên 102 trạm thu và đến năm 2030 là 121 trạm thu phí BOT.

Bích Diệp