Hiệp hội mía đường: Chính sách của Lào vượt trội và hấp dẫn hơn Việt Nam!

(Dân trí) - Hiệp hội mía đường cho rằng, do điều kiện nông nghiệp và chính sách của Lào vượt trội và hấp dẫn hơn Việt Nam, Hoàng Anh Gia Lai đã tìm thấy từ những chính sách ưu đãi của Lào là nền tảng để Hoàng Anh Gia Lai sản xuất được đường có giá cạnh tranh.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) vừa có báo cáo chính thức quan điểm về các vấn đề dư luận báo chí đăng tải về mía đường gần đây gửi lên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

 

Không phản đối việc nhập đường

 

Tại văn bản này, VSSA khẳng định, Hiệp hội không hề phản đối việc nhập đường mà chỉ yêu cầu nhập như thế nào để không bị làm trái với các quy định hiện hành để lợi dụng của nhóm lợi ích.

 

Hiệp hội yêu cầu nhập 50.000 tấn đường từ Lào theo các nguyên tắc: Nhập 100% đường thô về nước luyện lại thành đường RS (đường trắng) hoặc RE (đường tinh luyện), tạo thêm giá trị gia tăng, công ăn việc làm cho các doanh nghiệp trong nước; Đường nhập từ Lào được tính và khấu trừ trong hạn ngạch nhập khẩu hàng năm đã cam kết với WTO.

 

VSSA cũng yêu cầu, phải tổ chức đấu thầu nhập khẩu hạn ngạch 1 cách rộng rãi, minh bạch không cấp phát theo cơ chế xin cho như cơ chế hiện nay, chỉ đem lại lợi ích từ chênh lệch giá về cho ngân sách. Nên nhập sau khi vụ ép mía đường trong nước kết thúc để giảm dư thừa cục bộ gây tồn kho lớn trong nước. Ngoài ra, thuế nhập khẩu không nên miễn hoàn toàn như đề nghị của Bộ Công thương mà nên áp dụng mức thuế nhập khẩu đường đã cam kết chung đối với AFTA.

 

"Những nguyên tắc này không phải là yêu sách của Hiệp hội, mà là yêu cầu Bộ Công thương thực hiện đúng những gì mà Việt Nam đã cam kết khi hội nhập, vừa làm minh bạch thị trường, vừa mang lại lợi ích quốc gia xóa bỏ đặc quyền đặc lợi", VSSA nêu.

 

Giá đường, giá mía và việc chống buôn lậu – ai hưởng lợi?

 

VSSA lý giải nguyên nhân vì sao giá đường trong nước cao hơn giá đường nhập khẩu, cụ thể trong ví dụ so sánh với Thái Lan là nước có số lượng đường rất lớn đã nhập lậu vào Việt Nam.

 

Theo VSSA, giá đường bán lẻ tại Thái lan dao động khoảng 17.000 – 21.000 VNĐ/kg tương đương với giá đường bán lẻ ở Việt Nam. Giá đường trắng bán buôn tại các nhà máy đường Việt Nam hiện tại tùy loại trên dưới 12.000 đồng/kg chưa có VAT. Đường thô Thái Lan nhập khẩu về đến cảng Sài Gòn khoảng 9.000 đồng/kg, đường thô trong nước bán tại nhà máy sản xuất giá 10.500 đồng/kg …

 

"Nhìn chung giá đường bán lẻ ở 2 nước xấp xỉ nhau, giá đường thô nhập từ Thái Lan bán buôn tại TPHCM rẻ hơn đường nội 1.500 – 2.000 đồng/kg. Chênh lệch giữa giá bán buôn và giá bán lẻ trên thị trường rất lớn (5.000 – 8.000 đồng/kg), chênh lệch này các nhà máy đường không được hưởng và thuộc phạm vi trách nhiệm của ngành công thương. Thực tế các nhà máy đường không thể tạo hệ thống bán lẻ hết sản lượng sản xuất, mà phải qua mạng lưới tiêu thụ chung đã được xã hội hóa", VSSA cho biết.

 

Theo Hiệp hội, các nhà máy đường căn cứ giá đường bán được mà định giá mía mua vào để chế biến. Năm 2014 là năm thứ 4 liên tiếp giá đường thấp, liên tiếp gây khó khăn cho nhà máy đường và nông dân trồng mía. Ngược lại là những năm bội thu của ngành chế biến dùng đường làm nguyên liệu nhờ giá đầu vào giảm nhưng giá đầu ra không giảm tương ứng (sữa, nước giải khát…). Sau khi “Tỷ đường” trùm buôn lậu đường tại tỉnh An Giang bị bắt đến nay giá mía đã tăng 50 đ/kg tại các nhà máy đường đồng bằng sông Cửu Long và một số nhà máy ở miền trung Tây Nguyên.

 

Người tiêu dùng hưởng lợi gì? Theo VSSA, trước hết, giá cả ổn định là lợi ích đầu tiên của người tiêu dùng; giá đường bán buôn giảm nhưng thị trường bán lẻ và các sản phẩm dùng đường làm nguyên liệu vì sao không giảm là vấn đề cần xem lại, không phải lỗi của các nhà máy đường.

 

Vì sao giá thành đường Việt Nam cao hơn các nước?

 

Có nhiều nguyên nhân nhưng VSSA cho rằng chủ yếu là ở khâu nguyên liệu. Cụ thể, ở Thái Lan giá mía đưa vào chế biến chỉ 30 – 35 USD/tấn. Tiền mía trong giá thành chế biến đường chỉ ở mức 300 – 350 USD/tấn hay 6.000 – 7.000 đ/kg đường, trong khi ở Việt Nam tiền mía chiếm 8.000 – 10.000 đ/kg đường, chênh lệch 2.000 – 4.000 đ/kg đường, chênh lệch này thuộc yếu tố nông nghiệp mà nông dân và nhà máy đường không thể một sớm một chiều tự khắc phục .

 

Ở Lào, Hoàng Anh Gia Lai tự sản xuất mía đưa vào chế biến không phải mua nên giá thành nguyên liệu mía đưa vào nhà máy không bao gồm chi phí lợi nhuận cho nông dân trồng mía nên có giá thấp. Ngoài ra chi phí đầu tư cơ bản xây dựng vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy có thể đã được bù đắp một phần bởi chính sách hỗ trợ đầu tư và các nguồn thu khác có được trong quá trình khai mở đất.

 

Chi phí chế biến đường từ mía của 2 nước Thái Lan và Việt Nam không chênh lệch nhiều. Một số nhà máy đường Việt Nam có vùng nguyên liệu tốt, chất lượng cao nên đường sản xuất có giá thành thấp như Sơn La, Tuyên Quang,… dù công suất nhỏ và công nghệ không có gì vượt trội so với các nhà máy đường khác trong nước.

 

Công nghệ lạc hậu, sản phẩm chất lượng kém, chi phí cao?

 

Theo Hiệp hội mía đường, từ ngày mới đầu tư nhà máy đường cho chương trình 1 triệu tấn đường/năm, cả nước có 41 nhà máy đường với tổng công suất 52.000 tấn mía/ngày. Sau cổ phần hóa các nhà máy đường tự đầu tư bằng tiền vay và nguồn tích lũy được, đến nay tổng công suất đã lên đến 130.000-140.000 tấn mía/ngày kết hợp với đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại hóa – tổng vốn đầu tư thêm ở 41 nhà máy đường lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Trong đó có khả năng sản xuất đến 50% sản lượng là đường luyện (gồm đường luyện tiêu chuẩn và đường luyện hảo hạng). 


Có một số nhà máy đường Việt Nam đã đạt trình độ tiên tiến không thua kém các nhà máy đường ở các nước có nền công nghiệp mía đường mạnh như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc… (nhà máy đường Khánh Hòa, Lam Sơn, Nghệ An, KCP, Bourbon Tây Ninh…).

 

Một số ít nhà máy do liên tục thua lỗ nên không có sức đầu tư thêm nên đã ngày càng bị bỏ xa trong cuộc đua để cạnh tranh và hội nhập (như nhà máy đường Cà Mau, Kiên Giang…).

 

Nhìn chung về trình độ công nghệ của các nhà máy đường Việt Nam hiện nay không còn chênh lệch đáng kể so với các nước có nền công nghiệp mía đường mạnh như trong khu vực, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đường RE đạt yêu cầu chất lượng cao đối với khách hàng khó tính như Cocacola…

 

Vì sao chỉ có Hiệp hội mía đường kêu ca?

 

Trả lời câu hỏi này, VSSA lý giải, ngành mía đường xảy ra những bất cập riêng không giống các ngành khác. Nhà máy đường có vốn đầu tư rất cao, tính mùa vụ rất khắc nghiệt, vốn để hoạt động sản xuất cũng rất lớn. Mối quan hệ nhà máy và người trồng mía yêu cầu chặt chẽ cao, công nghệ chế biến cũng phức tạp hơn nhiều so với chế biến gạo, trà, hạt điều, cà phê… do vậy đòi hỏi sự nghiêm ngặt của chuỗi giá trị cũng khác hơn. Sự bất trắc bất kỳ ở khâu nào cũng đều có thể gây thiệt hại lớn cho toàn chuỗi.

 

"Nếu muốn tồn tại và phát triển, việc học tập lẫn nhau là đương nhiên, học cả cái hay lẫn các dở để làm hoặc tránh. Hoàng Anh Gia Lai cũng lấy kinh nghiệm Việt Nam sang mở nhà máy đường tại Lào. Về kỹ thuật công nghệ Việt Nam không hề thua kém, nhưng về chính sách quốc gia khác nhau thì doanh nghiệp không thể làm khác được", VSSA cho biết.

 

VSSA cũng cho rằng, điều kiện nông nghiệp và chính sách của Lào vượt trội và hấp dẫn hơn Việt Nam, Hoàng Anh Gia Lai đã tìm thấy từ những chính sách ưu đãi của Lào là nền tảng để Hoàng Anh Gia Lai sản xuất được đường có giá cạnh tranh.

 

Phương Dung
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”