Giá mía, giá đường và đâu là lối thoát cho người nông dân?

Cuộc tranh luận về chuyện ủng hộ hay không việc nhập khẩu đường, có lẽ sẽ là câu chuyện dài kỳ. Ở đây chỉ xin bàn về một góc rất “nhỏ”: Đó là mỗi tương quan giữa giá mía và giá đường – hay nói khác hơn, giữa quyền lợi, cuộc sống của nông dân nước ta so với lợi nhuận của các doanh nghiệp mía đường.

Giá mía, giá đường và đâu là lối thoát cho người nông dân?

Tất nhiên, vì là so sánh kinh tế, bắt buộc phải dẫn đến các tác động và hệ lụy, bài viết này sẽ gián tiếp bày tỏ quan điểm của tác giả đối với cái sự nên hay không

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Trước hết, phải thấy rằng chuyện của đường đắng được làm từ mía ngọt có “nguyên khởi” từ một sai lầm cách đây nhiều năm: tỉnh tỉnh có nhà máy đường, biển biển có cảng… Thi nhau thành lập để “ông có sao tôi lại không” là nỗi đau muôn đời của nền văn minh... a dua.

Chẳng ai cần biết rằng trong các nền văn minh phương Tây, luật chơi không thành văn nhưng thật rõ ràng. Với cuộc hành trình khởi đầu từ tháng 8/1486, với tư cách là nhà thám hiểm của vua Bồ Đào Nha, Bartolomeu Dias đã tìm ra con đường đến Ấn Độ, sau khi vượt qua mũi Hảo Vọng, châu Phi. Người Tây Ban Nha, khát khao cách đi, cách đến để “thấy” Ấn Độ nhưng họ không thể đi theo lộ trình mà Dias đã tìm ra, đơn giản vì họ tôn trọng nguyên tắc… “BẢN QUYỀN”. Chính vì thế, từ cái niềm tin về trái đất tròn – rất mù mờ vào thuở ấy, Christop Columbus đã tin rằng có thể đi về phía Tây để đến Phương Đông. Ông trở thành người tìm ra châu Mỹ ngày 12/10/1492, cho dù đến khi mất đi, ông vẫn nghĩ Tân thế giới là Ấn Độ!

Người Việt “không biết” nguyên tắc đó: Chỉ cần vài cái xe đầu kéo ăn nên làm ra nhờ chở gỗ từ Lào về là có hàng chục chiếc xe đầu kéo khác ăn theo, và… thua lỗ. Mía đường cũng chẳng khác gì mở trường đại học, tỉnh nào cũng có, trong khi đầu ra ế ẩm, dư thừa.

Nhưng, công nghiệp mía đường khác với các ngành kinh doanh khác: Tuy có một vài nhà máy phải đóng cửa, di dời; nhưng hầu như không xảy ra tình trạng tranh mua nguyên liệu mà từ bắc chí nam, sự chênh lệch về giá mía không đáng kể. Có cảm giác như đã có một sự ngầm định nào đó của sự liên kết với nhau thành một thứ phường hội hiện đại về giá cả đầu vào để chèn ép… nông dân – những người chưa bao giờ biết thế nào là trust, consortium. 
Chuyện trong nền kinh tế thị trường thế giới chưa hề có chuyện 3 năm liền giá thu mua mía không tăng giảm dù chỉ là… 1 đồng: Năm nào cũng thu mua của nông dân với giá 700 đồng/1kg mía tươi(!) Không phải ngẫu nhiên mà Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần đã phải nói thẳng với các DN đường: “Các anh cứ than vãn, nhưng tôi biết năm 2009 trung bình mỗi công ty đường thu lãi khoảng 50 tỉ đồng” (Motthegioi, 10:25, 13.5.2015).

Có hai câu hỏi nhỏ.

Mỗi công ty thu lãi ít nhất 50 tỷ đồng mà không chịu tăng cho nông dân dù chỉ là 1 đồng vào giá mua?

Mức lãi cao như thế mà vẫn nhận được sự bảo hộ để làm mất tính cạnh tranh của đường nhập khẩu?

Người ta viện dẫn rằng phải 15 kg mía mới làm ra một cân đường nên chênh lệch về giá cả 15-20 lần là tất nhiên (sản lượng mía năm 2013 là 16.600.000 tấn và sản lượng đường là 1.050.000 tấn. (Nguồn từ VietinBank).

Thế nhưng, người ta quên mất rằng các sản phẩm phụ của cây mía nhiều khi lại cao hơn so với sản phẩm chính là đường!

Bã mía (chiếm 30%) có thể sản xuất giấy, ván ép, sợi tổng hợp. Mật gỉ (chiếm 3-5%) có thể làm ra hàng chục lít cồn hoặc sản xuất rượu từ 1 tấn mía. Bùn lọc – dùng để chế xi đánh giầy, nhựa xê rin làm sơn…

Vấn đề tiếp theo là câu hỏi: Tại sao giá đường của các nước láng giềng lại thấp hơn rất nhiều so với nước ta, đưa tới kết quả là mỗi năm có đến 500.000 tấn đường nhập lậu?

Ngoài việc biện minh rằng do chất lượng mía của Thái, Lào tốt hơn Việt Nam (hàm lượng đường trong mía = CCS của cây mía VN là 10% còn Thái là 12%), thì chỉ còn một lý do không thể biện minh được: 40 doanh nghiệp sản xuất đường của nước ta quản lý kém nhưng lại hưởng lợi quá nhiều.

Chuyện đường và mía chỉ là một trong những câu chuyện cần phải đổi thay của đất nước: Chuẩn bị từ rất lâu để hội nhập nhưng vẫn cứ ì ạch, lúng túng, trì trệ. Kéo dài sự ngắc ngoải về cách làm ăn thiếu khoa học hay chấm dứt ngay sự ỉ lại để tự đứng dậy? 
Vả lại, dù có nhập khẩu hay không vài chục ngàn tấn đường thì cũng chỉ là phần nhỏ so với nửa triệu tấn nhập khẩu lậu hàng năm. Một thị trường chung – mở như ASEAN mà vẫn có tình trạng nhập lậu hàng trăm ngàn tấn thì quả là cái SAI khó chấp nhận.

Thay đổi, nguồn lợi đầu tiên sẽ đến với người nông dân. Khó hình dung với môi trường thổ nhưỡng, khí hậu không khác nhau nhiều lắm, lại có sự chênh lệch về chất lượng cao như thế. Một khi giá mía thu mua tăng để đảm bảo đầu vào, một khi không còn sự bảo hộ từ Nhà nước, thì các doanh nghiệp chỉ còn con đường duy nhất để tăng lợi nhuận, đó là quản lý tốt và đầu tư kỹ thuật chất lượng cao.

Suy cho tới cùng, nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp đã nhận được sự bảo hộ quá lớn và trong thời gian quá dài nên nước ta mới quá tụt hậu so với láng giềng…

Theo Hà Văn Thịnh
Một Thế giới
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”