Hiệp định CPTPP có hiệu lực: Thuế ô tô, xăng dầu hơn 10 năm nữa mới được xoá bỏ

(Dân trí) - Dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi cho thấy, với một số mặt hàng như ô tô con có dung tích xi lanh từ 3000cc trở lên sẽ xoá bỏ thuế quan vào năm thứ 10 và sắt thép, xăng dầu vào năm thứ 11.

6 (1).jpg

CPTPP được kỳ vọng mở ra một thị trường rộng lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, nơi có sân chơi công bằng hơn với các nước lớn.

Bộ Tài chính vừa có Dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giai đoạn 2019-2022 vừa được Bộ Tài chính hoàn thiện.

Hiệp định CPTPP được ký ngày 08/3/2018 tại Santiago (Chile) và được Quốc hội phê chuẩn tại Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12/11/2018 tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV. Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam vào ngày 14/1/2019.

Về cam kết thuế xuất khẩu trong CPTPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu đối với phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế xuất khẩu, cơ bản theo lộ trình từ 5-15 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực. Một số nhóm mặt hàng quan trọng như than đá, dầu mỏ và một số loại quặng, khoáng sản (70 mặt hàng) được tiếp tục duy trì thuế xuất khẩu.

Về cam kết thuế nhập khẩu trong CPTPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế, theo đó: 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Các mặt hàng còn lại cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình xóa bỏ thuế tối đa vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan.

Đáng lưu ý, với một số mặt hàng như ô tô con có dung tích xi lanh từ 3000cc trở lên sẽ xoá bỏ thuế quan vào năm thứ 10 và sắt thép, xăng dầu vào năm thứ 11. Mặt hàng dệt may, giày dép, gạo, phân bón xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Tương tự như vậy, mặt hàng nhựa và sản phẩm nhựa; hóa chất và sản phẩm hóa chất; giấy, đồ gỗ; máy móc, thiết bị: phần lớn xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực, một số loại xóa bỏ vào năm thứ 4. Thuốc lá điếu xóa bỏ thuế vào năm thứ 16.

Bộ Tài chính cho biết, để triển khai thực hiện cam kết về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của Việt Nam theo Hiệp định CPTPP, thực hiện theo quy định của Điều 11 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 về thẩm quyền ban hành biểu thuế, thuế suất, Bộ Tài chính cần xây dựng và ban hành Nghị định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam theo từng giai đoạn, trước mắt là cho giai đoạn từ ngày 14/1/2019 đến hết ngày 31/12/2022.

Theo đó, việc xây dựng và ban hành Nghị định là cần thiết để thực thi cam kết quốc tế, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật và phù hợp với Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016.

Nghị định nhằm thực hiện đúng cam kết của Việt Nam tại Hiệp định CPTPP, đảm bảo tính tương thích của Nghị định với điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết; bao gồm việc tuân thủ Hiệp định Hải quan ASEAN.

Đồng thời, tuân thủ đúng quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu về thẩm quyền ban hành các Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, phù hợp với quy định tại Luật Hải quan năm 2014, tuân thủ nguyên tắc xây dựng thuế suất khi chuyển đổi trong Hiệp định CPTPP, đảm bảo lợi ích và bảo lưu cam kết thuế quan của Việt Nam...

Phương Dung

bannerchan-bai.gif