1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Hết tiền, VEC “bán” quyền thu phí cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

(Dân trí) - Cần tiền thực hiện mục tiêu xây dựng 1.000 km đường cao tốc, tuy nhiên hiện nay việc huy động vốn gặp rất nhiều khó khăn, vì vậy VEC đã tính tới phương án “bán” quyền thu phí cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình trong 30 năm. Đây là việc chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam.

Hiện nay, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang làm chủ đầu tư của 6 dự án đường cao tốc, trong đó 3 dự án cơ bản đã hoàn thành và đưa vào khai thác là Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Dự kiến, 3 dự án còn lại đến năm 2019 sẽ hoàn thành đầu tư.

Trong văn bản gửi lên Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) mới đây, VEC đề cập tới dự thảo Đề án nhượng quyền khai thác (O&M) dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Theo VEC, mục tiêu đến năm 2020 đầu tư xây dựng được 1.000 km đường cao tốc (hiện nay đã xây dựng được hơn 700 km - PV), nhưng trong bối cảnh nợ công tăng cao, việc huy động vốn trong giai đoạn hiện nay gặp nhiều khó khăn. Việc nghiên cứu phương án nhượng quyền có thời hạn quyền khai thác các dự án đường cao tốc do VEC quản lý là phù hợp và cần thiết, trước mắt là dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.


Việc nhượng quyền khai thác Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được đề xuất trong 30 năm

Việc nhượng quyền khai thác Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được đề xuất trong 30 năm

Việc nhượng quyền vận hành khai thác dự án đường cao tốc là đặc thù, chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Vì vậy, VEC đề nghị Bộ GTVT đề xuất Chính phủ thí điểm giao VEC đàm phán, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, có kinh nghiệm, năng lực trong vận hành, khai thác đường cao tốc.

Theo đó, nhà đầu tư muốn “mua” lại quyền thu phí cao tốc phải đáp ứng 3 tiêu chí: Có kinh nghiệm đầu tư các dự án nhượng quyền cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, có năng lực về tài chính và có năng lực về vận hành, khai thác các dự án đường cao tốc.

Sau khi được lựa chọn, nhà đầu tư tiềm năng sẽ cùng với đơn vị chủ đường thành lập doanh nghiệp dự án để vận hành, khai thác tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Trong đó, VEC đề xuất lựa chọn phương án góp một phần vốn, tham gia vào điều hành hoạt động nhằm phát huy tối đa năng lực, kinh nghiệm trong doanh nghiệp dự án và vẫn giữ được thương hiệu của VEC.

Theo đề xuất của VEC, dự kiến vốn chủ sở hữu chiếm 30% giá trị nhượng quyền, trong đó phần vốn góp của VEC là 29% và phần vốn góp của nhà đầu tư chiến lược là 71%. Thời gian nhượng quyền khai thác dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có thời hạn 30 năm, lợi nhuận kỳ vọng của nhà đầu tư là 14% và lãi vay ngân hàng 8,5%, giá trị VEC nhận được từ nhượng quyền ước tính khoảng 9.171 tỷ đồng.

Việc xác định giá trị nhượng quyền có thời hạn dựa trên cơ sở thu nhập ròng hàng năm trong tương lai của tuyến đường cao tốc với các thông số đầu vào gồm: Doanh thu, chi phí vận hành, chi phí bảo dưỡng thường xuyên, chi phí bảo dưỡng định kỳ, thuế thu nhập doanh nghiệp, chi phí lập đề án chi tiết và thuê tư vấn thẩm định giá, cơ cấu nguồn vốn,…

Dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình dài 50 km, được khởi công năm 2006 với tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng, thông xe toàn tuyến (giai đoạn 1) vào năm 2012. Tính đến nay, tuyến cao tốc đã phục vụ khoảng 38,5 triệu lượt phương tiện.

Châu Như Quỳnh