1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hết thời tung hoành ngang dọc, ô tô cũ sắp phải vào "khuôn khổ"

(Dân trí) - Bộ Công Thương vừa đưa ra các phương án về điều kiện ràng buộc với doanh nghiệp nhập khẩu ô tô cũ. Các điều kiện này cũng gây tranh cãi. Nhưng nếu được thông qua, về phía người tiêu dùng có thể thấy, người mua xe cũ được lợi là họ sẽ có quyền lợi giống như mua xe mới chính hãng.


Bộ Công Thương lại vừa có 2 phương án về điều kiện ràng buộc với doanh nghiệp nhập ô tô cũ

Bộ Công Thương lại vừa có 2 phương án về điều kiện ràng buộc với doanh nghiệp nhập ô tô cũ

Nhập ô tô cũ và trách nhiệm của nhà sản xuất

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi lên các Chính phủ đưa ra những điều kiện ràng buộc các doanh nghiệp nhập xe ô tô cũ vào Nghị định quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.

Bộ này đã đưa ra hai phương án lựa chọn. Thứ nhất, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô cũ cũng sẽ phải có Giấy xác nhận của nhà sản xuất ở nước ngoài về việc chỉ định doanh nghiệp nhập khẩu và thay mặt nhà sản xuất triệu hồi khi xảy ra lỗi.

Phương án 2, các điều kiện về Giấy uỷ quyền nhập khẩu và triệu hồi khi có lỗi chỉ áp dụng với xe mới, còn xe cũ được loại trừ.

Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ chọn phương án 1 vì cho rằng ô tô cũ nhập khẩu phải được quản lý chặt chẽ như đối với ô tô mới nhập khẩu nhằm hạn chế khả năng gây ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng và môi trường.

"Ô tô cũ thường tiềm ẩn nhiều rủi ro về kỹ thuật và an toàn hơn so với xe mới. Trên thực tế, nhiều trường hợp ô tô cũ được nhập về Việt Nam tồn tại những lỗi kỹ thuật có khả năng gây mất an toàn cho người tiêu dùng, cần thiết phải triệu hồi để khắc phục, sửa chữa, tuy nhiên chủ sở hữu không thực hiện hoạt động này mà tìm cách bán ra thị trường nước ngoài. Trong nhiều trường hợp các xe cũ nhập về Việt Nam còn không đủ điều kiện để lưu hành, hoặc đăng kiểm tại các nước sở tại nên được xuất khẩu sang các quốc gia khác, đẩy rủi ro về phía người tiêu dùng các quốc gia nhập khẩu ô tô cũ”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Ngoài các rủi ro đối với người tiêu dùng, Bộ Công Thương khẳng định ô tô cũ nhập khẩu cũng tiềm ẩn các ảnh hưởng xấu đến môi trường cho Việt Nam. “Nhiều ô tô đã qua sử dụng không còn đáp ứng các tiêu chuẩn về khí thải nước sở tại cũng có khả năng tràn vào thị trường nước thứ ba, gây ảnh hưởng đến môi trường quốc gia nhập khẩu”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bày tỏ quan điểm trong văn bản gửi lên Chính phủ.

Nhiều người dùng “trả giá đắt” vì xe cũ

Sở hữu ô tô là giấc mơ của nhiều người Việt. Cơn khát xe giá rẻ cuồng nhiệt được minh chứng từ con số nhập khẩu xe qua các năm. Năm 2015, người Việt tiêu dùng khoảng 126.000 xe nhập khẩu, năm 2016 là 115.000 xe. Trong cơn lốc xe giá rẻ, nhiều xe ô tô cũ, phẩm chất kém được đưa về Việt Nam với giá CIF tại cảng chỉ tương đương một chiếc xe máy đắt tiền.

Tuy nhiên hiện thực phũ phàng đã khiến nhiều người Việt phải trả giá đắt cho giấc mơ xe giá rẻ. Doanh nghiệp nhỏ lẻ tràn lan trên thị trường với nhiều thủ thuật buôn xe trôi nổi, nguồn gốc xuất xứ, hồ sơ xe không rõ ràng, khi xảy ra sự cố thì không biết kêu ai.

“Năm 2016, gia đình tôi có chi hết số tiền tiết kiệm để mua một chiếc xe Fortuner 2.4 lít nhập nguyên chiếc về Việt Nam với giá khoảng 1 tỷ đồng, để tiện di chuyển mỗi khi về quê hay đi du lịch. Xe được cam kết là mới như chỉ một tuần xe bị lỗi túi khí, đầu xe bị móp, tiếng kêu rất to mỗi khi chạy, tôi đem đến cơ sở bảo hành của doanh nghiệp nhập khẩu thì được thông báo phải chịu phí gửi mua phụ tùng từ nước ngoài về hoặc nếu không là gửi xe trở lại nước sở tại để nhà sản xuất sửa. Nếu muốn nhanh gọn hơn thì phải chi hơn 5.000 USD để gửi vào các cơ sở bảo hành chính hãng. Nhân viên bảo hành nói rằng lỗi xe này chỉ nhà sản xuất mới triệu hồi sửa được”, chị Nguyễn Thị Thanh (Dịch Vọng, Cầu Giấy) bức xúc.


Doanh nghiệp buôn xe cũ thường không có phụ tùng, linh kiện chính hãng của nhà sản xuất

Doanh nghiệp buôn xe cũ thường không có phụ tùng, linh kiện chính hãng của nhà sản xuất

Trường hợp của chị Minh Hoà - một nhân văn phòng tại Đống Đa (Hà Nội) còn đen đủi hơn khi vì muốn có ô tô đi làm việc đã cố chắt bóp chi 200 triệu đồng mua một chiếc xe Grandi10 cũ nhập khẩu khẩu từ Ấn Độ. Tuy nhiên, chạy rồi mới thấy cản xe trước yếu chỉ cần va chạm nhẹ là móp ảnh thưởng đến lưu thông, xe ngốn rất nhiều xăng. Chi phí bảo dưỡng, sửa chữa “thổi bay” lương hàng tháng mà không được phụ tùng chính hãng.

Trên thực tế, các doanh nghiệp buôn xe cũ thường không có phụ tùng, linh kiện chính hãng của nhà sản xuất nên việc đảm bảo quyền lợi người mua ô tô rất hạn chế, chỉ dừng lại ở việc bảo dưỡng, khi xảy ra lỗi kỹ thuật, ảnh hưởng đến an toàn xe, tính mạng thì không có khả năng khắc phục, bỏ mặc người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia trong ngành công nghệ ô tô và có thời gian dài sống và làm việc ở Đức và Mỹ nhấn mạnh, việc phát hiện ra lỗi kỹ thuật và triệu hồi để sửa chữa là trách nhiệm của nhà sản xuất chứ không phải người bán hàng.

"Thực tế là trên thế giới, nhà sản xuất ô tô bị lỗi luôn có trách nhiệm phải liên lạc với cơ quan đăng kiểm để tìm ra khách hàng nào đang sử dụng chiếc xe bị lỗi đó. Từ đó, nhà sản xuất viết thư gửi đến người dùng sản phẩm đó để mang xe đến sửa chữa hoặc thay thế linh kiện bị lỗi miễn phí hoàn toàn”, ông Đồng nói.

Với những dòng xe cũ được nhập khẩu trôi nổi về Việt Nam, việc sửa chữa khi có lỗi rất khó khăn bởi nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, do đó cơ hội để người tiêu dùng được kiểm tra tình trạng của xe với những lỗi kỹ thuật và được khắc phục bài bản từ phía nhà sản xuất là theo ông Đồng là hoàn toàn không bao giờ diễn ra.

Giới chuyên gia trong ngành cảnh báo mua xe ô tô cũ rủi ro lớn nhất của người tiêu dùng đó là bị lừa về nguồn gốc sản phẩm, trở thành nạn nhân của những sản phẩm bị đánh cắp hoặc có chất lượng thấp tại thị trường nước ngoài. Xe ô tô cũ xảy ra tai nạn, va chạm xe nhiều hơn so với xe mới. Hơn nữa, các loại xe cũ cũng thải ra lượng khí độc ảnh hưởng đến môi trường rất lớn.

"Hàng trăm ngàn ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu thông qua con đường không chính thức tại nhiều quốc gia thực chất là các sản phẩm bị trộm cắp tại thị trường nước ngoài và sau đó được xuất khẩu sang nước nhập khẩu. Không ít các sản phẩm mắc các lỗi, khiếm khuyết về kỹ thuật, nhưng người chủ sử dụng thay vì sửa chữa nó thì đã tìm cách xuất khẩu sang nước thứ ba, đẩy rủi ro cho người tiêu dùng của nước nhập khẩu” vị chuyên gia cảnh báo phải kiểm soát chặt chẽ xe cũ như xe mới để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Anh Thư

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm