1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hết thời đỉnh cao, lợi nhuận nhiều ngân hàng giảm sâu

Thảo Thu

(Dân trí) - Trong số hơn 10 nhà băng sớm công bố kết quả kinh doanh quý II, có tới hơn một nửa sụt giảm lợi nhuận. Có đơn vị sụt giảm trên 90%.

Tăng trưởng tín dụng giảm, nguồn thu ngoài lãi giảm mạnh, nợ xấu có xu hướng gia tăng, phải tăng trích lập dự phòng rủi ro… khiến lợi nhuận nhiều ngân hàng bị ảnh hưởng.

Theo báo cáo tài chính quý II/2023 của nhiều ngân hàng mới được công bố, bức tranh lợi nhuận ngành năm nay bộc lộ nhiều gam màu xám.

Ngân hàng nào vẫn kinh doanh khả quan?

Như tại Sacombank, thu nhập lãi thuần quý II của đơn vị này tăng tới 121% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng, thu nhập lãi thuần đạt 11.588 tỷ đồng, tăng 117%. Sacombank là ngân hàng hiếm hoi ghi nhận tăng trưởng đột biến ở mảng kinh doanh cốt lõi trong nửa đầu năm nay.

Lợi nhuận trước thuế ngân hàng trong 6 tháng đầu năm đạt 4.755 tỷ đồng, tăng 63,5% so với cùng kỳ. Các mảng kinh doanh hầu hết đều có lãi, chưa kể nhà băng này giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 26%, xuống còn 2.317 tỷ đồng, dẫn đến kết quả tích cực.

Hay như tại OCB, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 2.560 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ. Nhiều mảng kinh doanh có kết quả khả quan. Trong đó, thu nhập lãi thuần - nồi cơm chính của ngân hàng - tăng 5,8%, đạt 3.568 tỷ đồng. Lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng tới 5 lần, đạt 111 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư đạt 332 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 167 tỷ.

PG Bank cũng là nhà băng giảm mạnh trích lập dự phòng rủi ro và có lợi nhuận tăng trưởng dương quý vừa rồi. Quý II, lợi nhuận trước thuế ngân hàng đạt hơn 150 tỷ đồng, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm trước.

Khoản mục có ảnh hưởng lớn nhất là thu nhập lãi thuần tăng 10%, lên 341,4 tỷ đồng. Nhà băng này đã cắt giảm gần 35% chi phí dự phòng rủi ro, xuống còn hơn 48 tỷ đồng. Điều này phần nào giúp lợi nhuận trước thuế vẫn ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm, PG Bank lãi trước thuế hơn 303 tỷ đồng, tăng 23,8%. Năm nay, nhà băng lên kế hoạch lãi trước thuế 530 tỷ đồng. Như vậy, đơn vị này thực hiện được 57% mục tiêu sau nửa đầu năm.

MSB sau 6 tháng đầu năm cũng thực hiện trên 50% mục tiêu lợi nhuận cả năm với sự tăng trưởng ổn định của thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi. Cụ thể, nhà băng này lãi 2.022 tỷ đồng, tăng 10% trong quý II. Còn tính chung 6 tháng, MSB lãi 3.548 tỷ đồng, tăng 6%.

Những đơn vị sụt mạnh lợi nhuận

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II, lợi nhuận trước thuế của ABBank giảm tới 94% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 67 tỷ đồng. Quý II năm ngoái, nhà băng này vẫn lãi tới hơn 1.000 tỷ đồng.

Còn lũy kế 6 tháng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đơn vị này đạt gần 679 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ năm trước. So với mục tiêu lợi nhuận năm là hơn 2.800 tỷ đồng đặt ra, nhà băng mới thực hiện được 24% kế hoạch. 

Hết thời đỉnh cao, lợi nhuận nhiều ngân hàng giảm sâu - 1

Ngân hàng hết thời trên đỉnh lợi nhuận (Ảnh: Tiến Tuấn).

Với TPBank, lợi nhuận sau thuế quý II là 1.293 tỷ đồng, giảm 25,27% so với cùng kỳ. Nửa đầu năm, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 3.400 tỷ đồng, thấp hơn so với mức 3.788 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Con số này chưa đạt 50% so với lợi nhuận cả năm dự kiến là 8.700 tỷ đồng.

LPBank đạt lợi nhuận trước thuế 880 tỷ đồng trong quý II và lũy kế nửa đầu năm là 2.446 tỷ đồng, giảm 31,8% so với cùng kỳ năm 2022. Ngân hàng này mới hoàn thành 41% kế hoạch năm đặt ra.

Techcombank lại ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 5.649 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước và đi ngang so với mức lợi nhuận 3 tháng đầu năm. Trong đó, thu nhập lãi thuần giảm gần 20%, còn 6.295 tỷ đồng.

Techcombank lãi trước thuế 11.272 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ, thực hiện khoảng 51% chỉ tiêu cả năm.

Lợi nhuận sẽ còn phân hóa

Các ngân hàng dè dặt công bố kết quả kinh doanh trong bối cảnh giới chuyên môn dự báo quý II là giai đoạn các ngân hàng bắt đầu chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tác động của cuộc đua lãi suất huy động, nhu cầu tín dụng sụt giảm.

Đi cùng sự thu hẹp của lợi nhuận, chất lượng tài sản của các ngân hàng cũng suy yếu khi nợ xấu có xu hướng tăng mạnh. Chưa kể, nhiều ngân hàng phải giảm trích lập dự phòng để giữ nhịp lợi nhuận.

Tại ABBank, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 2,88% cuối năm 2022 lên 4,55%.

Nợ xấu của Techcombank đến cuối tháng 6 cũng đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng hơn 60% so với cuối năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng lên 1,07%.

Hay tại PG Bank, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,56% hồi đầu năm lên 2,77% vào cuối quý II năm nay.

Tại Bac A Bank, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 0,55% lên 0,7%.

Nợ xấu tại một số đơn vị tăng nhanh, việc giảm trích lập dự phòng khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của một số ngân hàng trên giảm mạnh trong nửa đầu năm.

Đơn cử, tỷ lệ này tại Bac A Bank giảm từ mức hơn 204% tại thời điểm cuối năm ngoái xuống còn 158%; LPBank giảm từ 142% xuống 78%; PG Bank giảm từ 38% xuống 36%; TPBank giảm từ 135% xuống còn 61%; Saigonbank giảm từ 47% xuống 44%...

Hết thời đỉnh cao, lợi nhuận nhiều ngân hàng giảm sâu - 2

Lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2023 dự kiến sẽ tăng chậm lại (Ảnh: Tiến Tuấn).

Theo ước tính của phần lớn chuyên gia từ trước đó, lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2023 sẽ tăng chậm lại. Từ nay tới cuối năm, lợi nhuận ngành ngân hàng thậm chí sẽ còn phân hóa đậm nét hơn.

Năm vừa rồi, hầu hết nhà băng đã đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn thu từ bảo hiểm, thư tín dụng, chứng khoán, ngoại hối… bên cạnh thu từ mảng cho vay. Năm nay, hoạt động bảo hiểm liên kết đầu tư được bán chéo qua kênh ngân hàng (bancassurance) có thể sẽ giảm lại do nhiều ngân hàng đã phát triển quá mạnh năm trước.

Hoạt động tín dụng cũng có thể sẽ chậm lại so với năm 2022, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, không có đơn hàng nên chưa sẵn sàng vay vốn.

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chậm lại, cộng với thu nhập lãi thuần (NIM) thu hẹp và chi phí tín dụng tăng, các chuyên gia cho rằng mức tăng trưởng ngành ngân hàng năm nay chỉ trong khoảng 10-15%, trái với mức hơn 40% năm ngoái.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm