1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hết "lũ quét" hàng Tàu đến "dòng thác" hàng Thái

Việc hàng Thái chiếm ưu thế tại Việt Nam chỉ còn là vấn đề thời gian. Liệu hàng Thái có trở thành thành dòng xoáy, “lũ quét” như Việt Nam đã từng chịu trận với hàng Tàu. Cán cân thương mại còn nghiêng về Thái Lan và trào lưu doanh nghiệp Thái đổ bộ vào thị trường bán lẻ Việt Nam - hai lợi thế này cùng đè lên đĩa cân bên Thái, khiến “quả tạ” Thái Lan đã, đang và còn nặng ký trong sân chơi Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Hai chiều phát triển

Gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), các nước sẽ thực hiện tiến trình giảm dần thuế quan xuống 0-5%, loại bỏ dần các hàng rào thuế quan đối với đa phần các nhóm hàng và hài hòa hóa thủ tục hải quan giữa các nước.

Đến năm 1995, khi Việt Nam gia nhập ASEAN, mặc nhiên ta tham gia vào định chế này. Vào sân chơi AEC tuy mới mà cũ, buôn bán hai chiều giữa Việt Nam với các nước trong khối nói chung và với Thái Lan nói riêng đều tăng trưởng.

Thương mại Việt - Thái 5 năm qua tăng trưởng hơn 40%. Những mặt hàng trao đổi giữa hai bên đều là những con bài chủ lực, có tiềm năng, bổ sung cho đời sống kinh tế của nhau.

Hết "lũ quét" hàng Tàu đến "dòng thác" hàng Thái - 1

Thái đã đầu tư 8 tỷ USD, đứng thứ 11 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan nhiều sản phẩm nông lâm thủy sản và hàng công nghệ chế biến với máy vi tính, điện thoại, máy móc phụ tùng chuyên dùng. Đồ gỗ Việt góp vào trang trí nội thất khách sạn nhiều sao của Thái.

Ngược lại, chúng ta nhập nông sản đặc chủng từ quốc gia này, hay nhiều nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho các dự án của Thái Lan đầu tư tại Việt Nam. Nhiều năm gần đây, hai nước đều là nhà cung ứng lớn cho thị trường thế giới về gạo, cao su.

TP.HCM dẫn đầu các địa phương trong hoạt động thương mại với thị trường Thái Lan. Thương nhân Thái Lan qua lại nhộn nhịp tại thành phố này, rồi từ đây tỏa ra khu vực Nam Bộ. Các cửa hàng tại những Khu kinh tế Cửa khẩu từ Lao Bảo, Quảng Trị trở vào suốt phía Nam, hàng Thái tràn ngập quầy sạp.

Ở chiều ngược lại, Thái Lan là một trong những nhà FDI vào Việt Nam sớm nhất, với vốn khá lớn. Tới nay, Thái đã đầu tư 8 tỷ USD, đứng thứ 11 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Khối lượng chu chuyển hàng hóa giữa hai nước chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng thể quan hệ thương mại của ASEAN với Việt Nam. Thái Lan đang là khách hàng số 1 về xuất khẩu với tỷ trọng trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào ASEAN. Nước này cũng đứng đầu về nhập khẩu với tỷ trọng trên 30% trị gía nhập khẩu của Việt Nam từ cộng đồng này.

Không khó để tin rằng hai quốc gia có thể tăng kim ngạch thương mại chung lên 20 tỷ USD vào năm 2020.

Đáng ngại “quả tạ” Thái Lan

Nhưng những con số đó chưa đủ để gạt bớt sự bất lợi của Việt Nam với ASEAN xuống, bởi trên bàn cân phần bên kia, “quả tạ” Thái Lan đã, đang và còn nặng ký.

Thấy ngay điều này qua hai điểm nhấn, một là cán cân thương mại còn nghiêng về Thái Lan; hai là trào lưu Thái Lan đổ bộ vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Hai mặt này vừa là tiền đề vừa là hệ quả của nhau, hợp sức tạo lực, đè lên đĩa cân bên Thái. Xem biểu số sau:

Hết "lũ quét" hàng Tàu đến "dòng thác" hàng Thái - 2

Cán cân thương mại Việt - Thái

Qua số liệu trên, giá trị và tỷ lệ nhập siêu của Việt Nam từ ASEAN là khá lớn, trong đó lộ rõ vai trò “hạt nhân” của Thái Lan, tức chúng ta là “con nợ thương mại” đầu đàn của Thái Lan trong ASEAN. Hình thế đó hệt như hiện trạng thương mại của Trung Quốc với Việt Nam trên bình diện châu Á cũng như toàn cầu.

Hơn thế nữa, do trường vốn lại dày dạn kinh nghiệm trên thương trường, các nhà bán lẻ Thái Lan sau khi vững chân trên thị trường Việt Nam đang bộc lộ ý đồ muốn soái ngôi đầu từ nước láng giềng Trung Quốc.

Theo đó, số lượng các cửa hàng tiêu dùng chuyên bán hàng Thái xuất hiện tại Hà Nội và TP.HCM ngày càng nhiều, mức độ cạnh tranh mạnh hơn. Nhận thấy hàng hóa Thái bán chạy, nhiều hãng bán lẻ đang kinh doanh tại Việt Nam như Aeon, BigC và Lotte Mart đã bắt đầu tăng tỷ lệ hàng Thái. Nhiều mặt hàng Thái Lan đã vươn lên vị trí dẫn đầu xuất khẩu vào Việt Nam như ôtô, rau quả, nông phẩm. Trên đà này, đại gia bán lẻ Thái mua lại những thương hiệu nước ngoài có tên tuổi đã khẳng định vị thế trên thị trường Việt Nam.

Khi hàng rào thuế quan trong AEC dần được gỡ bỏ, cơ hội làm ăn tại Việt Nam của các doanh nghiệp Thái sẽ tăng mạnh, việc hàng Thái chiếm ưu thế tại Việt Nam chỉ còn là vấn đề thời gian. Còn việc tận dụng cơ hội này của phía ta đẩy hàng sang Thái thì chưa thể, thậm chí không thể.

Do hai nước gần, nhiều mặt tương đồng, thị hiếu tương tự mà đẳng cấp của họ luôn ở thứ bậc khá cao so với ta, thì mọi chuyện đều có thể xảy, chỉ có điều là cố không để dòng thác hàng Thái chảy vào thành dòng xoáy, “lũ quét” như đã từng chịu trận với hàng Tàu.

Phải thừa nhận rằng, hàng Thái tràn vào Việt Nam trước hết người tiêu dùng có lợi vì được mua những sản phẩm chất lượng với giá cả phải chăng. Chính việc bị hàng Thái lấn sân cũng là sức ép buộc doanh nghiệp Việt phải cải cách, cạnh tranh và bật lên.

Đó chính là cơ hội đan xen thách thức. Để vượt qua vũ môn này, hàng Việt cần lớn mạnh, vươn mình để người tiêu dùng trong nước lựa chọn đầu tiên, chứ không phải là hàng Thái. Và xu thế đó sẽ lan tỏa đối với hàng của ASEAN và các đối tác FTA mới đã và sẽ theo nhau vào nước ta.

(*) nhập siêu của ta từ Thái Lan cao hơn hoặc gần bằng nhập siêu từ ASEAN vì trong khu vực có nước ta xuất siêu

Theo Nguyễn Duy Nghĩa
Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm