1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Đồng Nai:

Heo rớt giá thảm, người nuôi nhỏ lẻ vật lộn tìm kế khác mưu sinh

(Dân trí) - Trong khi các trang trại lớn phải “oằn mình” cầm cự giữ đàn heo dù thua lỗ triền miên để chờ vận may thì hầu hết người chăn nuôi nhỏ lẻ (tổng đàn dưới 500 con) tại Đồng Nai đã rơi vào cảnh phá sản và ngưng nuôi.

“Đợt “rớt giá” heo kéo dài kỷ lục vừa qua đã khiến cho khoảng hơn 70% các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phá sản và ngưng nuôi”, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết.

Theo ông Đoán, sở dĩ người chăn nuôi nhỏ lẻ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là bởi đây là đối tượng có chi phí sản xuất cao nên chịu thua lỗ nặng hơn. Do thiếu vốn nên người chăn nuôi nhỏ lẻ thường phải mua chịu cám của các đại lý với giá cao để phục vụ chăn nuôi. Giá heo xuống thấp, tiền bán heo không đủ trả tiền cám buộc họ phải ngưng nuôi.

“Giờ họ có muốn tiếp tục nuôi cũng không được, bởi các đại lý cám không cho mua nợ nữa thì làm sao nuôi”, ông Đoán cho hay.

Dãy chuồng trại bỏ không của anh Nguyễn Văn Thể, ấp Võ Dõng 1, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất do đã cạn kiệt vốn để tiếp tục nuôi.
Dãy chuồng trại bỏ không của anh Nguyễn Văn Thể, ấp Võ Dõng 1, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất do đã cạn kiệt vốn để tiếp tục nuôi.

Sau hơn 5 tháng “gồng mình” xoay sở để duy trì đàn heo, đến đầu tháng 7, anh Nguyễn Văn Thể, ấp Võ Dõng 1, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất đã quyết định xuất bán toàn bộ đàn heo và ngưng nuôi.

“Hiện tôi đã không thể mua nợ cám từ đại lý vì chưa trả nợ cũ. Nếu tiếp tục nuôi thì phải có tiền mặt để mua cám cho heo, nhưng từ cuối năm ngoái đến nay liên tục phải bán heo lỗ giờ còn đâu tiền mà nuôi tiếp”, anh Thể nói.

Bỏ nghề vì thua lỗ, thế nhưng anh Thể hiện vẫn chưa biết phải làm gì trong những ngày tiếp theo để duy trì cuộc sống của mình cũng như gia đình. Bởi, theo người đàn ông này, gần 20 năm qua anh chỉ biết mỗi một nghề: nuôi heo. Không nghề, tuổi cao, việc tìm kiếm một công việc phù hợp để mưu sinh đối với anh Thể hiện giờ là một “bài toán” không đơn giản.

“Từ nhỏ lớn lên mình cứ theo nghề của gia đình là nuôi heo kiếm sống. Từ khi lập gia đình và ra ở riêng đến nay, cuộc sống vẫn chỉ phụ thuộc vào con heo mà thôi. Đối với tôi, giờ để xin được việc tại một nhà máy hay công ty nào đó là rất khó. Tôi đang tính chuyển qua chạy xe ôm. Cũng phải kiếm việc mà làm để nuôi gia đình chứ biết sao giờ!”, anh Thể chia sẻ.

Thiếu vốn, sức lao động, nhiều hộ đến với nghề chăn nuôi heo quy mô nhỏ để duy trì cuộc sống. Giờ đây, khi không thể tiếp tục bám nghề, phần lớn họ đều đang phải “vật lộn” tìm kế sinh nhai mới.

“Người trẻ thì xin đi làm công nhân, tuy nhiên số này không nhiều. Trong khi đó, người lớn tuổi thì cũng phải tìm cách buôn bán hay làm thuê để sống. Mà giờ làm gì cũng khó, bởi ở đây gì cũng liên quan đến con heo, nó rớt giá nên buôn bán cũng khó mà làm thuê cũng không có nhiều việc”, anh Thể kể về những người hàng xóm cùng cảnh ngộ như anh.

Vĩnh Thủy